Giỏ hàng của bạn trống!

Thành Phố Bên Sông

Tác giả: Kim Quyên
Tình trạng: Còn trong kho
104,000đ 130,000đ

Nhà xuất bản: Văn Hóa Văn Nghệ
Năm xuất bản: 2020

ISBN: 9786046860846

Tiểu thuyết “Thành phố bên sông” của nhà văn Kim Quyên là tác phẩm được Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư in ấn từ việc tổ chức Trại sáng tác văn học – nghệ thuật chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – Khát vọng vươn cao” từ ngày 15-3-2019 đến 15-4-2019.

Với cảm nhận của tác giả, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một “thành phố trẻ”, vì chỉ “mới hơn 300 năm tuổi”. Khởi thủy là vài khu đất nằm chen giữa những kênh, rạch, sông, hồ, đầm. Người dân Sài Gòn tính tình phóng khoáng, lịch lãm, cần cù lao động, nhân ái, xinh đẹp, thông minh, khí khách anh hùng mã thượng.

Với rặt giọng Nam bộ, tác giả cuốn tiểu thuyết “Thành phố bên sông” nhắc lại vẻ mỹ miều, tinh thần kiên cường bất khuất của thành phố cũng như tinh thần chiến đấu bất khuất mở đất, dựng nước và giữ nước của người dân nơi này.

Nhân vật Hương được xuất hiện đầu tiên đến với người đọc trong hình ảnh một cô bé nhà quê miệt Cai Lậy lần đầu lên thành phố, được ngồi xe xích lô đạp, ngạc nhiên này dẫn đến ngạc nhiên khác khi được ngắm nhìn sự thênh thang hoa mỹ của thành phố với nhà cao tầng tầng. Ngạc nhiên cả khi nhìn thấy quảng cáo kem đánh răng Hynos có hình ông đen thui nhe hàm răng trắng nhỡn ra, hay cứ tưởng có người nằm trong chiếc radio bé tí.

Chuyến đi thành phố của cha con nhà Hương hé lộ cho người đọc biết, người cha đang làm giao liên, là cơ sở cách mạng của quân giải phóng.

Rồi làng Mỹ Hạnh Đông được vào truyện. Cuộc sống sinh hoạt gia đình của gia đình Hương được mô tả, trong đó có việc ba Hương chữa bệnh cho người làng, chăm sóc cây vườn, thăm nom bà nội, có những trò chơi của trẻ nhà quê, thả diều, lội ruộng…

Tuổi thơ của Hương còn có những con lũ hẹn hò về đúng lúc hàng năm. Để Hương bơi xuồng đi hái bông điên điển, câu cá, vọc nước, lặn mò củ co, củ ấu…

Năm 1961, Bến Tre nổ ra cuộc Đồng khởi.

Làng của Hương trở thành “vùng xôi đậu”, ban ngày lính quốc gia đi nghểu nghến, ban đêm thuộc về quản lý của du kích địa phương, có khi bộ đội chủ lực về. Rồi làng bị pháo kích…; rồi sau lần bị bắt về bót, ba Hương vào vùng giải phóng, công tác ở trạm Quân y tỉnh. Hai người chú của Hương theo bộ đội 261, cô Mười Bốn của Hương vô du kích xã.

Rồi ba Hương trúng đạn chết khi dìu bệnh binh ra khỏi cứ.

Một năm sau, làng của Hương trở thành vùng trắng, bom, đạn oanh tạc bắn nã tự do. Lính Sư đoàn 7, Trâu Điên, Anh Cả Đỏ… cùng với cố vấn Mỹ càn quét liên miên. Quốc

gia khoanh vùng này là căn cứ của Việt cộng, gom dân ra lập ấp chiến lược ở khu Trù mật Mộc Hóa nhằm mục đích chia cắt dân với lực lượng kháng chiến.

Để bảo vệ an toàn cho con cái, má Hương quyết định bỏ làng về ngoại sống.

Đêm ra đi, bà nội đứng trên bờ lấy khăn rằn lau nước mắt và con Phèn đứng bên cạnh rít não nề. Khi xuồng đi một khoảng, Hương phát hiện con Phèn đang bơi theo sau chiếc xuồng…, một cảnh tượng rơi nước mắt…

Nhà ngoại nằm bên dòng sông Cái Bè, cạnh Cầu Chùa. Chị em Hương được đi học trường huyện, không còn cảnh ngủ trảng xê, không lo đạn pháo kích.

Hương không được học trường công vì không có khai sinh, học tư thục nhưng rất cố gắng để cuối cùng cũng có danh sách thi vào trường Đại học Quốc gia Sài Gòn (nay là trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). Lần thi đó Hương được đậu.

Do áp lực nhiều phía, sau lần bị đạn trúng xém chết nếu không chở lên bệnh viện Sài Gòn cấp cứu, má Hương quyết định rời quê, và Sài Gòn là đích đến.

Hương, nhân vật dẫn chuyện trong tiểu thuyết “Thành phố bên sông” bắt đầu cuộc sống mới tại Sài Gòn, cùng tham gia biểu tình, cùng xuống đường, cùng hưởng được không khí ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975…

Có thể coi cuốn tiểu thuyết này là những trang nhật ký ghi chép lại những gì đã xảy ra trong gia đình, của họ hàng, bà con, bạn bè và bản thân của tác giả. Tiểu thuyết là hư cấu, nhưng ở đây, có thể có đến 90% là sự thật. Do đó, thế hệ trẻ sau này, khi đọc “Thành phố bên sông” sẽ biết được một góc nhỏ chiến tranh giữa Việt và Mỹ như thế nào. Vì sao tất cả mọi người đều tham gia để bảo vệ mảnh đất mình đang sống. Vì sao trước những đàn áp, tra tấn tàn bạo mà những người con gái, những người đàn bà, đàn ông, thanh niên, trẻ con đều không khiếp sợ, vẫn hùng dũng, dõng dạc bước tiếp con đường đã chọn.

0

0 đánh giá

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.