Giỏ hàng của bạn trống!

Đợi trời hết mưa, lòng tan hết bão

Tác giả: Bùi Đức Ánh
Tình trạng: Còn trong kho
64,000đ 80,000đ

Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn
Năm xuất bản: 2019

ISBN: 9786049775598

Đợi Trời Hết Mưa Lòng Tan Hết Bão

Sau 3 tập truyện ngắn đã xuất bản: “Người đàn bà bên bếp lửa”, “Bí mật trong chiếc hộp giấy”, “Tìm một ai đó giống anh”, năm nay nhà văn Bùi Đức Ánh sẽ xuất bản tập truyện ngắn thứ tư: “Đợi trời hết mưa, lòng tan hết bão” với 12 truyện ngắn khai thác trên các loại đề tài, nhưng tâm điểm vẫn là tình yêu của con người và tình yêu cuộc sống. Có lẽ nhà viết truyện ngắn có điểm giao thoa với nhà viết thơ - “thi nhân”, nên mỗi câu chuyện của anh đều khai thác từ một sự trắc trở của một mối tình, rồi từ đó soi chiếu về mỗi cuộc đời, mỗi số phận… Đây cũng chính là điểm mạnh của thi pháp truyện ngắn: Cái chính của truyện ngắn không phải là hệ thống sự kiện mà ở cái nhìn tự sự với cuộc đời, và cái nhìn tự sự được soi chiếu dưới góc độ đời tư, tính hấp dẫn càng cao. Cũng từ cái nhìn tự sự với cuộc đời, nhà văn đã giỏi hư cấu để lồng ghép cái nhìn về thế sự, nhân sinh.

 

Từ một câu chuyện có thật về cô học trò phải uống nước từ giẻ lau bảng, nhà văn đã khai thác nó trong cái nhìn của một nhà giáo dục có bề dày cống hiến nhiệt tâm với biết bao thế hệ học trò, câu chuyện “Mưa kí ức” được viết với giọng kể bình thản, mà chứa đựng cái nhìn sâu sắc vào tâm khảm của cô giáo Kiều Trinh – người từng bất hạnh từ thuở ấu thơ, đến khi sống trong “nhung lụa” thì thiếu đi cái nhìn cảm thông với những mảnh đời bất hạnh; và vì không con cái nên lạnh lùng thờ ơ với học sinh, dẫn đến hành vi vô nhận tính là bắt trò phải uống nước từ giẻ lau bảng, đứa học trò đó không ai khác lại là con của người đã từng như là “mối tình đầu” của cô. Oái oăm và tàn nhẫn… Soi chiếu dưới góc nhìn về thái độ, hành vi, động cơ của một việc làm ác, nhà văn tỏ ra nhân văn khi phân tích, lí giải các sự việc, hiện tượng trong cái nhìn đa chiều.

 

Truyện ngắn không phải vì truyện của nó ngắn mà vì cách nắm bắt cuộc sống của thể loại, các truyện: “Đợi trời hết mưa, lòng tan hết bão”, “Chốn cũ mưa bay”, “Đợi chờ kí ức”… mỗi chuyện như là một lát cắt về nhân sinh thế sự, nhà văn muốn thông qua một câu chuyện tình không trọn vẹn giúp người đọc nhận ra một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Mỗi nhân vật truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới. Nhân vật không tên trong câu chuyện “Thanh xuân như một câu chuyện ngắn ngủi” với đề tài không mới – đề tài xa cách để mưu sinh, nhằm xây dựng tương lai của cô gái xa chồng đi lao động ở Nhật Bản, gửi tiền về dành dụm cho hạnh phúc chồng vợ… thế rồi cô về phép bất ngờ, và cô đã chết điếng khi nhin thấy vợ mới của chồng mình đang “bụng mang dạ chửa” trong ngôi nhà mà cô gửi tiền về để xây dựng. Không mới mà đọc lên vẫn chua xót, cay nơi con mắt. Câu chuyện “Tình về nơi đâu” thể hiện cái nhìn táo bạo của nhà văn về “thế giới bên kia” - thế giới người âm - nơi mà con người vẫn còn nhiều hoài nghi và suy đoán. Nhân vật Xuân trong truyện “Tình yêu rơi vỡ” đã lựa chọn sự bù đắp những mất mát, thiếu hụt của mình từ tình cảm chân thành của một người lao động; dù bị bệnh trầm cảm, dù không đủ tỉnh táo nhưng cô vẫn lựa chọn vòng tay yêu thương của người đàn ông khốn khó mà rời xa ngôi nhà nhung lụa, nơi đó thiếu đi sự chia sẻ, cảm thông của người chồng vô cảm…

 

Cốt truyện của tất cả các truyện ngắn trong tập truyện đều lấy tâm điểm từ câu chuyện tình yêu, câu chuyện hàng ngày; nhờ thế mà hấp dẫn, gần gũi với đời sống chúng ta; mỗi truyện ngắn như một bài báo tốc kí với các nhân vật gắn liền với mỗi số phận, có tác dụng ảnh hưởng kịp thời trong cuộc sống. Kết cấu của các truyện thường có xu hướng gợi nhiều liên tưởng, bởi có nhiều truyện tác giả để phần kết rơi vào lửng lơ, người đọc có thể suy đoán và tưởng tượng. Yếu tố có sức hấp dẫn ở một số truyện trong tập là khai thác các chi tiết có dung lượng lớn để soi chiếu cái éo le số phận, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Cô gái trong câu chuyện “Chốn cũ mưa bay” vì “tham phú phụ tình” mà nhận trái đắng của cuộc đời. Một số chi tiết trong truyện “Vết lồi của chiến tranh” được sắp xếp có chủ đích nhằm nói về nỗi bất hạnh của những phụ nữ và con thơ sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Dường như nhà văn vẫn còn luyến lưu với sân trường phượng đỏ, nên đã khai thác khá tinh tế cảm xúc tuổi học trò trong truyện “Ngõ vào mùa hạ”; khai thác những va vấp đầu đời của những học sinh khi mới vào Sài Gòn sinh sống và học tập “Vẫn còn vệt nắng ấm áp”… 

 

Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ, nếu không thì sự tác động của nghệ thuật sẽ mất sức mạnh. Tính liên tục của ấn tượng đòi hỏi người viết truyện ngắn phải cô đọng tối đa, đó là điều mà nhà văn Bùi Đức Ánh đã ý thức được. Trong truyện ngắn Bùi Đức Ánh cái nhìn của nhà văn chứa đựng niềm thương cảm với mỗi con người, mỗi số phận; truyện “Ngõ vào mùa hạ” gợi nhớ về cảm giác buồn man mác như khi ta đọc “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam…

 

Là một thi nhân đã xuất bản 5 tập thơ, là nhà văn xuôi đã xuất bản 1 tác phẩm tiểu thuyết, và thêm lần này nữa nhà văn đã có đến 4 tập truyện ngắn, chưa kể những tập sách in chung với các nhà văn khác, đời sáng tác thế cũng là dày dặn, đáng trân trọng. Hy vọng rằng nhà văn Bùi Đức Ánh sẽ còn nhiều dịp thể hiện tài năng của mình khi tận dụng tối đa các chất liệu hiện thực để sáng tác của anh đưa đến cho bạn đọc những giá trị tư tưởng – thẩm mĩ, giá trị nhân văn, giá trị đích thực của văn chương với cuộc đời.

                                                                                                                              Huế, 19/8/ 2019

TS. Hoàng Thị Thu Thủy

0

0 đánh giá

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.