Giỏ hàng của bạn trống!
Vận chuyển
Vận chuyển toàn quốc
CUỘC HỘI NGỘ THƠ-NHẠC QUA “KHÚC RU TRẦM”
- Không dễ có những khúc ca phổ thơ thành công nếu không có mối lương duyên giữa người làm thơ và người soạn nhạc. Mỗi bài thơ được cất lên từ nỗi niềm, tâm trạng riêng của thi sĩ khi bắt gặp sự tương giao đồng điệu cùng những kĩ thuật tiết tấu, giai điệu riêng biệt của từng nhạc sĩ, thi phẩm ấy sẽ trở thành khúc nhạc giao hòa của những tâm hồn “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. “Khúc ru trầm” với 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là cuộc hội ngộ đầy duyên nợ của gần 50 nhạc sĩ ở mọi miền đất nước và hải ngoại, đã neo đậu trong lòng những người yêu âm nhạc bởi sự giao thoa kỳ diệu đó. Theo nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, thì tuyển tập ca khúc phổ thơ này “là một đánh giá đích thực về phẩm chất thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh mà có thể trước đó có nhiều bài viết về thơ anh vẫn chưa nói hết. Nó khẳng định một chặng đường thơ mà Hạnh đã khiêm nhường dâng hiến cho đời”.
- Phần nhiều ca khúc trong “Khúc ru trầm”mang âm hưởng dân ca miền Trung, giọng điệu vời vợi lắng sâu, ca từ nhẹ nhàng, trong sáng đậm chất làng quê mộc mạc của thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Những người yêu âm nhạc thưởng thức những ca khúc phổ từ thơ ông như nhấm nháp hương vị của bát nước chè xanh trong vắt với chút hương thơm quyện trong làn hơi nóng bốc lên thơm ngát phong vị quê nhà. Chính vì vậy, từ lâu những khúc nhạc phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã được công chúng yêu thích. Nhiều tác phẩm được giới thiệu trên sóng VTV và hàng loạt các chương trình, phóng sự văn nghệ trên các đài truyền hình, phát thanh, báo chí, youtube… đã đưa tác phẩm của ông đến với khán thính giả trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Tập ca khúc hướng theo nhiều đề tài nhưng bao trùm nhất là đề tài quê hương và gia đình, đây chính là cội nguồn, là âm hưởng chủ đạo trong thơ ông. Bên cạnh đó, những bài hát về tình yêu phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh khiến thính giả đắm chìm trong giai điệu chơi vơi nhưng nồng nàn và say đắm. Trong tập sách, còn có những bài ca đi cùng năm tháng viết về những vùng đất mình đã đi qua và ghi dấu trong đời như Đà Nẵng, Hà Nội, Kon Tum, Hội An…Người nghe cũng bồi hồi cùng ca từ ở chùm ca khúc đậm chất tự sự khi Nguyễn Ngọc Hạnh gửi gắm những suy nghiệm về cuộc sống, thi ca. Nói như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong phim ca nhạc Dáng quê do VTV8 thực hiện: “Dù ở những đề tài gai góc, âm nhạc trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như dụ người ta vào, như làm người ta trôi theo cảm xúc bồng bềnh...”
- Nếu gọi mỗi bài thơ là một cánh diều thì âm nhạc là làn gió nâng bổng cánh diều ấy bay cao, vang xa. Song vẫn thấp thoáng đâu đó những trường hợp thơ - nhạc bất hoà khi âm nhạc chưa khám phá hết sắc thái riêng biệt cũng như tầng nghĩa hàm ý mà nhà thơ gửi gắm. Giữa những tất bật của cuộc sống đời thường, mỗi chúng ta hãy lắng lòng để hoà âm với khúc nhạc lòng của người nghệ sĩ, của thi ca và âm nhạc. Đành rằng, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, thơ phổ nhạc không còn lạ lẫm nữa, nhưng sự trùng phùng, duyên nợ của những ca khúc phổ thơ trong “Khúc ru trầm” sẽ còn tạo sức dư ba trong lòng khán thính giả.
Nguyễn Thị Thu Thuỷ
Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.