Giỏ hàng của bạn trống!

Tin Tức & Sự Kiện

Ra mắt các tác phẩm của bốn nhà văn nữ TP Hồ Chí Minh

Ra mắt các tác phẩm của bốn nhà văn nữ TP Hồ Chí Minh

Bốn tác phẩm văn học mới của 4 nhà văn nữ TP Hồ Chí Minh có tên gọi: “Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính”, “Sài Gòn thở chậm hít sâu”, “Dòng biên viễn”, “Phù sa châu thổ” vừa được ra mắt độc giả cả nước. Đây là các tác phẩm xuất sắc trong trại sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba” của Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Nhận xét về 4 tác phẩm vừa được ra mắt, nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/11/1945 – 23/11/2021), tròn 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 45 năm Thành phố mang tên Bác, Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đã tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba”. Trong đợt sáng tác này có bốn tác phẩm vừa được ra mắt. Đó là nỗ lực không nhỏ của các nhà văn nữ TP Hồ Chí Minh khi gần 1 năm phải vừa lo chống dịch và vẫn tập trung sáng tác các tác phẩm mới. Theo đó, tác phẩm Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính là tập ký chân dung do nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái nhà thơ Nguyễn Bính) chấp bút. Qua đời ở tuổi 48, đến nay thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính đã đi xa 56 năm. Đó là khoảng thời gian không ngắn, nhưng dường như hình bóng của người cha thân yêu vẫn luôn còn đó. Bởi thế, với tình yêu vô bờ bến, dù mới lên hai đã phải xa lìa người cha thân yêu, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu vẫn cho ra đời ấn phẩm Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính. Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu ra mắt sách “Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba”, giới thiệu 4 tác phẩm của 4 nữ nhà văn nữ TP Hồ Chí Minh. Là nhà văn nữ thuộc thế hệ con của những cán bộ miền Nam tập kết, nhà văn Hoài Hương lại cho ra đời tập truyện ngắn Phù sa châu thổ. Tập truyện gồm 12 truyện ngắn và 5 tạp văn với bối cảnh khá đa dạng. Nhận xét về tác phẩm của nhà văn Hoài Hương, PGS. TS Võ Văn Nhơn cho biết, truyện của nhà văn Hoài Hương giàu tính thời sự, từ chuyện môi trường sinh thái đến cơn hồng thủy của đại dịch COVID-19 vẫn còn đang nóng bỏng, đặc biệt là những câu chuyện của tuổi trẻ năng động trong thời đại thông tin, thể hiện ở những nhân vật chính trẻ trung, sôi nổi. “Đọc truyện ngắn Hoài Hương, thấy một sự lạc quan không hề nhỏ của nhà văn về tương lai của thành phố chúng ta, một sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của đất nước, đặc biệt là niềm tin ở thế hệ trẻ”, nhà văn Võ Văn Nhơn nói thêm. Tương tự, với nhà văn Trương Gia Hòa, chị lại gửi gắm nỗi niềm vào tác phẩm Sài Gòn thở chậm hít sâu với 39 bài tản văn được thể hiện bằng giọng văn duyên dáng, hóm hỉnh và sâu sắc. Đây cũng chính là cách chị thể hiện tình yêu của mình dành cho con người, cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh thân thương sau hơn 30 năm sống và làm việc nơi đây. Nhận xét về tác phẩm Sài Gòn thở chậm hít sâu, PGS.TS Bùi Thanh Truyền bày tỏ: “Chị đã trao cho người đọc năng lực, hạnh phúc được thấu cảm và tin yêu qua từng chút thời gian được sống để nhận thức rằng: Làm người đâu có khó; sống cũng dễ dàng thôi, nếu chúng ta không đánh mất niềm tin và hy vọng dù trong bất cứ cảnh ngộ, nỗi đời nào. Loại vitamin niềm tin này sẽ luôn cần thiết, hiệu quả đối với độc giả, đặc biệt nó giúp chúng ta vững vàng trong những nghịch cảnh khó khăn như đợt dịch bệnh vừa qua”. Là tác giả có duyên với thể loại văn học lịch sử từ lâu nhưng lần này nữ nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài lại có bước tiến đáng kể với tác phẩm Dòng biên viễn có nội dung theo hướng tiểu thuyết lịch sử viết về Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Nội dung của tác phẩm được chọn vào thời điểm ông bị bệnh để lột tả tâm trạng của ông trước lúc ông từ giã cõi đời. Đây có thể được xem là một sự bứt phá, táo bạo và dũng cảm của nữ nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài. “Thông qua tác phẩm ‘Dòng biên viễn’, những hành động, biểu cảm, những suy ngẫm, liên tưởng, triết lý… thường tình, cảm tính, tế nhị, chu đáo của Nguyễn Hữu Cảnh cũng được bộ lộ rõ nét. Đặc biệt, những đoạn miêu tả, trữ tình đều xuất phát từ điểm nhìn, giọng điệu của người kể chuyện và gợi thương gợi nhớ cho người đọc”, PGS.TS Bùi Thanh Truyền nhận xét.  Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức  

Văn Hóa Văn Nghệ

Mối quan hệ giữa phê bình văn học và người sáng tác

Mối quan hệ giữa phê bình văn học và người sáng tác

Nhà phê bình Lê Xuân Đặt vấn đề: Nhà thơ Gớt (người Đức) đã nói “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đồi mãi mãi xanh tươi”. Vì vậy, mọi lý thuyết về Lý luận Phê bình văn học (PBVH) cũng chỉ là điều tham khảo, học hỏi thêm đối với người sáng tác. Công việc của người phê bình văn học (PBVH): Nghiên cứu lý luận PBVH là một vấn đề khó, đòi hỏi người viết phải có một trình độ lý luận và một kiến thức tổng hợp trên nhiều phương diện. Và đặc biệt, cần phải có một nhãn quan chính trị tinh nhạy, một quan điểm đúng đắn. Ở thời nào cũng vậy, văn học không thể thoát ly cuộc sống. Muốn hay không văn học từ cái “Tôi” cá thể, thông qua hình tượng nghệ thuật tác động tới con người và cuộc sống, góp phần mở rộng tầm mắt, nâng cao tâm hồn con người. Trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập, giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực, thời đại bùng nổ thông tin trên mạng internet, thì lý luận PBVH cũng có những điều chỉnh hướng bạn đọc có thể “đồng sáng tạo” với tác giả văn học, và trước hết là cho đội ngũ sáng tác. Công việc PBVH đòi hỏi người viết phải thấu hiểu tác phẩm, tác giả, khen chê phải khách quan vô tư, không để những tình cảm thân quen hay vụ lợi lấn át, nhằm động viên tác giả phát huy mặt mạnh và thấy được những mặt còn yếu kém để khắc phục. Có người đã nói PBVH như một “ngọn roi”. Nếu ngọn roi ấy quất lung tung sẽ có những tác hại khôn lường. Người viết PBVH cần phải có tư duy khoa học kết hợp với tư duy nghệ thuật một cách hài hòa, chặt chẽ, và rất cần một sự nhạy cảm trong thẩm định văn chương và phải đọc và hiểu biết thêm nhiều tư liệu ngoài tác phẩm như: âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh, địa lý, lịch sử, triết học, xã hội học, ngoại ngữ, internet… Ngoài ra, người viết PBVH trước hết rất cần một trái tim nhân ái, một tấm lòng vị tha, một cái nhìn khoa học thấu tình đạt lý để hiểu tác phẩm, tác giả. Từ đó hướng dẫn thị hiếu thẩm mỹ cho đông đảo công chúng. Đồng thời còn phải am hiểu tình hình thời sự văn học trong và ngoài nước, nắm được các trào lưu tư tưởng, xu hướng văn học, đặc điểm của các thời kỳ, giai đoạn lịch sử văn học dân tộc. Mối quan hệ giữa PBVH và người sáng tác ở thành phố Cần Thơ: Riêng mảng PBVH không những ở Cần Thơ mà cả khu vực ĐBSCL còn thiếu và yếu. Người viết có thể đếm trên đầu ngón tay, còn quá mỏng, chưa tương xứng với sự phát triển của văn học địa phương, ít dẫn đường cho người cầm bút đi đúng quỹ đạo sáng tác. Một số tác giả thỉnh thoảng có viết vài bài PBVH dưới dạng giới thiệu tác phẩm hoặc biên khảo, như: Trần Phỏng Diều, Nguyễn Thanh (Ngũ Lang), Lương Minh Hinh, Trúc Linh Lan, Nắng Xuân. Bài viết phần lớn mới dừng lại ở mức “bàn thêm” về truyện, thơ, bình thơ, hoặc giới thiệu tác giả, tác phẩm… Người viết PBVH ngại đụng chạm những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội, của dân tộc. Một số người có ý định trở thành nhà PBVH cũng gác bút, quay sang sáng tác thơ, truyện để đăng báo, tạp chí. Nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh có lần đã nói: “Hiện nay chúng ta đang ‘đốt đuốc’ đi tìm nhà PBVH”. Có lẽ đó cũng là tình trạng chung của cả nước. Hiện nay có tình trạng là người viết PBVH rất ngại bị “đụng chạm”, sợ bị người khác quy chụp. Trên các Báo và Tạp chí ta thường thấy xuất hiện ba loại nhà PBVH. Một là loại phê bình cánh hẩu, tâng bốc nhau. Hai là loại phê bình bới lông tìm vết, quy chụp. Ba là loại phê bình “dĩ hòa vi quý”, khen chê chung chung. Cả ba loại nhà PBVH trên đều không nên có ở một nền văn học chân chính. Về phía người sáng tác: Mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một năng khiếu “bẩm sinh” mà ta gọi là “thiên phú” (trời cho), không thể lấy cần cù bù lấp được. Nhưng nếu cộng thêm sự cần cù học hỏi, trang bị thêm các kiến thức khác thì rất hữu ích cho việc sáng tác: Ví như: hiểu về ngôn ngữ học, tu từ học, lý luận PBVH… thì tác phẩm của họ sẽ có chiều sâu, có sức nặng hơn. Sáng tác là một công việc cực nhọc như “khổ sai” nhưng nếu có đam mê sẽ đem lại một niềm vui lớn. Nhà thơ Lê Đạt gọi các nhà thơ là “phu chữ”. Khi viết xong một tác phẩm ta như trút được gánh nặng. Đọc tác phẩm của các nhà văn Cần Thơ đã trãi qua đời lính như: Nguyễn Khai Phong, Phạm Văn Thúy, Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Hồng Chuyên, Trần Thanh Chương, Hkiên Giang, Ngọc Hương… ta sẽ hiểu sâu hơn, đúng hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong kháng chiến chống Mỹ, chống bọn bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và bọn Pôn pốt phía Tây Nam. Đọc các tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký của các tác giả: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nhật Hồng, Ngọc Tuyết, Vũ Thống Nhất, Ngọc Bích, Lương Minh Hinh, Trần Anh Dũng, Huyền Văn, Cao Thanh Mai… ta hiểu sâu hơn mảnh đất và con người Nam Bộ qua các thời kỳ… Đọc thơ của các tác giả Lê Chí, Huỳnh Kim, Phù Sa Lộc, Trúc Linh Lan, Đặng Hoàng Thám, Huệ Thi, Nguyệt Ảnh, Nắng Xuân, Phan Huy, Phan Duy… ta cảm nhận được rất nhiều vẻ đẹp về con người và cảnh sắc Nam Bộ qua cái tôi trữ tình đầy cảm xúc… Nếu các tác giả trên không có vốn sống thực tế, không chịu khó tìm tòi sáng tạo thì làm sao có thể viết được những trang văn, dòng thơ đầy ám ảnh, thuyết phục trái tim người nghe, người đọc. Song, nếu tác giả được trang bị thêm kiến thức về Lý luận PBVH như: Các trào lưu văn học trong nước và thế giới, các phương pháp sáng tác, các loại thể văn học, đặc trưng văn học, các chủ nghĩa hiện thực, hiện đại, hậu hiện đại, lý thuyết về thi pháp học và các lý thuyết tiếp nhận khác… thì tác phẩm càng mang tính khái quát, phổ biến và có sức nặng. Ví dụ: Đọc tập truyện ký “Đêm vượt sông” của nhà thơ Trần Thanh Chương người đọc không những hiểu biết được nhiều sự kiện, sự việc, con người trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà còn biết thêm nhiều điều kỳ diệu ở một số nước mà tác giả đặt chân tới, như: Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi Lip Pin, Căm Pu Chia… Tác giả đã nắm khá chắc các sự kiện, lịch sử, địa lý liên quan đến bài viết. Anh có 3 bài ký viết về nước ngoài: “Xem bóng đá Anh”, “Uống cà phê Anh” và “Kỳ vĩ Angko Wat”. Ở “Kỳ vĩ Angkor Wat”, anh luận bàn về nghệ thuật điêu khắc đá: “Về nghệ thuật xếp đá và điêu khắc trên đá, chắc chắn tổ tiên của người Việt và người Trung Hoa đều phải chắp tay bái phục người Khmer cổ đại. Nó xa hơn, tất cả các nghệ nhân chế tác đá trên thế giới – theo tôi, chỉ đáng là học trò của người Khmer. Không hiểu người Khmer cổ đại đã dùng dụng cụ gì để chạm trổ trên đá cứng, tạo ra những bức phù điêu, những hoa văn tuyệt mỹ giống như ngày nay ta chạm trổ trên gỗ. Các nhà khoa học cũng không lý giải nổi bằng cách nào chỉ với phương pháp thủ công, không có chất kết dính mà họ xếp chồng khoảng 10 triệu tảng đá (có tảng nặng 1,5 tấn) thành một công trình cao chót vót vừa vĩ đại, vừa nghệ thuật, gần ngàn năm qua vẫn sừng sững thách thức với thời gian (…) Ngày xưa, người Khmer đã xây dựng được những công trình vĩ đại đạt đến mức hoàn hảo như vậy, thì chắc chắn trình độ khoa học và nền kinh tế của họ phải phát triển đến mức độ rất cao. Không hiểu sao, một nền văn minh huy hoàng bậc nhất Đông Nam Á lại suy tàn nhanh đến thế… Đó là những ý kiến bình luận khá sâu sắc. Các bài viết về nhân vật lịch sử, như Trạng nguyên Khương Công Phụ hay bài Nhàn đàm về Chúa Trịnh anh đều có những ý kiến bàn thêm về cái đúng, cái sai do lịch sử, do người viết trước để lại. Ở mảng “Bình thơ”, tác giả thể hiện sự cảm nhận tinh tế và có những so sánh liên tưởng khá thú vị, như bình bài ca dao Thằng Bờm, bài Tình khúc tuổi 50 của Kao Sơn, bài Lơ ngơ một mình của Phạm Phương Lan. Lúc bình thơ ngòi bút của anh tràn đầy cảm hứng thơ, phát hiện được vẻ đẹp tiềm ẩn trong tứ thơ, trong hình ảnh, nhip điệu… làm toát ra giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của bài thơ mà tác giả muốn gửi một thông điệp nào đó tới bạn đọc. Người thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là nhà thơ Nắng Xuân (Nguyễn Thanh Toàn): Anh là giảng viên khoa Thủy sản ĐHCT, yêu thích văn chương. Ngoài giảng dạy anh còn là Chủ nhiệm CLB Thơ ca Ninh Kiều, phụ trách nhóm “Gia đình Áo trắng” (phụ san báo Tuổi trẻ) của Cần Thơ, tham gia CLB thơ Đường Cần Thơ… Ở cả hai thể loại Thơ và PBVH anh đều có những gặt hái thành công. Vậy thì, các kiến thức về PBVH có cần cho nhà văn khi sáng tác văn học hay không? Các bạn hãy tìm lời giải. Xin gợi ý vài điều: – Các tác giả nên đọc nhiều, đọc cả những tác phẩm có ý trái chiều mà mình không yêu thích để nắm bắt những ý phản biện. Rất cần đọc tác phẩm của các nhà văn lớn trong và ngoài nước. Nếu có điều kiện hãy đọc các giáo trình Đại học về Lý luận văn học hiện nay. – Khi chưa hiểu một từ hãy tra từ điển ngay (từ điển Tiếng Việt, từ điển Hán Việt…). Riêng các từ địa phương (phương ngữ) không có trong từ điển thì hỏi thêm những người khác… – Cần tìm hiểu các phương pháp sáng tác, các trào lưu văn học, mối quan hệ giữa “cuộc sống – nhà văn – tác phẩm” để xem tác phẩm của mình có tác dụng gì với bản thân và gửi thông điệp gì tới cuộc sống. – Luôn trả lời các câu hỏi trước khi viết: Viết cái gì (nội dung), viết để làm gì? (mục đích), viết cho ai? (đối tượng đọc), viết như thế nào? (phương pháp viết). Tình hình văn học ở Cần Thơ hiện nay: Văn học ở khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng có bề dày lịch sử và rất giàu tiềm năng, là vùng đất trẻ nhưng có truyền thống văn học đáng tự hào với những danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu. Các nhà văn lớp trước và các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã làm giàu thêm truyền thống văn học của địa phương. Nhìn lại những tác phẩm văn học của Cần Thơ thời gian qua trong nền kinh tế tri thức hội nhập, đã có những mặt mạnh và hạn chế đáng lưu ý. Cái mạnh là tác giả luôn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là những yếu tố mang sắc thái Nam Bộ trong mỗi trang viết. Đọc tác phẩm của nhiều nhà văn Cần Thơ ta thấy mỗi tác giả đều có sự tìm tòi, sáng tạo theo xu hướng mới. Các giá trị “phi vật thể” đó không những là tiếng nói tâm hồn của con người một vùng, một miền mà rộng hơn nó còn là tiếng nói của một cộng đồng với Tổ quốc. Đội ngũ sáng tác văn học ở Cần Thơ có bước kế thừa và phát triển. Văn xuôi mạnh hơn thơ, nhất là về truyện ngắn và ký. Nhiều tác giả đã xuất hiện trên tạp chí, trên các báo trung ương và địa phương: Về văn xuôi có: Nguyễn Kim Châu, Trần Minh Thuận, Nguyễn Ngọc Tuyết, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng, cố nhà văn Nguyễn Khai Phong, Lương Minh Hinh, Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Lâm Thị Thanh Hà, Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hồ Kiên Giang, Phạm Văn Thuý, Huyền Văn, Ngọc Hương, Cao Thanh Mai, Nguyễn Hồng Chuyên, Hoàng Khánh Duy, Phát Dương, Phong Dương. Về thơ có: Lê Chí, Trúc Linh Lan, Trần Thanh Chương, Nguyễn Trung Nguyên, Phù Sa Lộc, Huỳnh Kim, Nguyễn An Bình, Phan Duy, Phan Huy, Huệ Thi, Phan Nguyệt Ảnh, Minh Nguyệt, Nắng Xuân, Hoàng Viện … Một số tác giả viết cả thơ và văn xuôi và đã có những thành công đáng khích lệ. Đời sống văn chương có sôi nổi hơn trước, nhưng ít tranh luận về học thuật, về phương pháp sáng tác. Các cây bút trẻ còn ít, số hội viên lớn tuổi có phần chững lại. Tuy hội viên khá đông nhưng hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam còn quá ít (hiện nay chỉ có 8 hội viên, thua An Giang, Bến Tre…). Qua các cuộc thi thơ, truyện, ký ở cấp khu vực và cấp tỉnh, các tác giả của Cần Thơ thường đạt giải nhưng giải cao còn ít. Mặt hạn chế của một số tác giả là vốn tri thức, lý luận và thâm nhập thực tiễn chưa nhiều nên tác phẩm ít có sức khái quát chiều rộng lẫn chiều sâu. Phần lớn các tác phẩm thơ cũng như truyện còn nặng về tường thuật, miêu tả, kể lể, giãi bày tâm sự đơn thuần, khai thác mảng đời tư… Sự tìm tòi, khám phá để có sự cách tân về ngôn ngữ, thể loại còn ít. Số tác giả viết tiểu thuyết càng rất ít. Kết luận: Lý luận PBVH có thể xem là một chìa khóa để ta có thể mở cửa tiếp nhận và vận dụng nhiều điều cần và đủ góp phần làm cho tác phẩm có sức nặng hơn. Cần Thơ là vùng đất còn trẻ, giàu tiềm lực, tôi tin rằng tương lai sẽ có những tác phẩm văn học hiện đại, giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa văn hoá nhân loại, góp phần làm đẹp, làm giàu kho tàng văn học Cần Thơ nói riêng và văn học nước nhà nói chung. L.X

Khu Vườn Sáng Tác

Nguyễn Phương Dung – Nhớ thương một chút gửi đời

Nguyễn Phương Dung – Nhớ thương một chút gửi đời

Văn chương của Nguyễn Phương Dung là cái tâm tình mộc mạc, giản dị của người đàn bà trải lên từng câu chữ. Trong những trang văn tưởng chừng rất riêng lại bắt gặp những câu chuyện, những tâm sự, những buồn vui bé mọn rất đàn bà. Tính nữ như sợi dây mềm mại cứ níu người đọc vào những trang viết mênh mang tình người, tình đời… Nhà văn Nguyễn Phương Dung Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phương Dung sinh năm 1958, quê quán Tam Kỳ, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam và Hội Nhà văn TP.HCM. Các tác phẩm đã xuất bản: Vừng ơi (tập thơ 2003), Phía tàn tro (tập thơ NXB Đà Nẵng 2011), Nguyễn Phương Dung và các truyện ngắn (truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn 2019), Gửi thương cho nhớ (thơ, NXB Hội Nhà văn 2022).  Nguyễn Phương Dung hiện sinh sống tại TP.HCM. Không buông bút dẫu khó khăn vô ngần Nhà văn Nguyễn Phương Dung là người đi ngang và chứng kiến nhiều biến động, đổi thay của thời cuộc. Từ nhỏ cho đến hết chiến tranh, Nguyễn Phương Dung cắp sách đến trường, sau đó học Sư phạm tại Quy Nhơn. Ra trường, Nguyễn Phương Dung trở thành giáo viên dạy toán cấp hai tại quê nhà Quảng Nam cho đến khi nghỉ hưu. Nhà văn tâm sự mình đến với văn chương từ rất sớm, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ba mẹ là giáo viên, có một kho sách đồ sộ để nhà văn đọc và chìm đắm trong thế giới văn chương nhiều màu sắc. Cô giáo Nguyễn Phương Dung ngày lên bục giảng, đêm lại về miệt mài viết văn, làm thơ. Nguyễn Phương Dung kể rằng công việc dạy học những ngày tháng ấy vô cùng vất vả và khó khăn. Có những thời khắc khó khăn đến mức ngồi khóc trên bục giảng, thiếu thốn trăm bề, gánh nặng áo cơm oằn vai thế nhưng nhà văn vẫn không hề bỏ bút. Gia đình tan vỡ khi còn rất trẻ, cô giáo phải mang con khi đó mới tròn 15 tháng vào trường nội trú. Những lúc mẹ dạy học, con phải bò chơi một mình ngoài hàng lang vắng. Đêm về, sau khi xong giáo án lại dành thời gian cho văn chương. Bao nhiêu chuyện vui buồn, chuyện đời, chuyện nghề cô trút lòng mình vào những trang viết. Đọc văn Nguyễn Phương Dung điều dễ nhận thấy cái đẹp nội tâm thể hiện qua câu chữ. Nhà văn tâm sự, dẫu viết về chủ đề gì thì những trang văn phải hướng thiện và người cầm bút phải dần dần hoàn thiện mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nguyễn Phương Dung viết văn từ sớm, đã ra 3 tập thơ và 1 tập truyện ngắn, có nhiều tác phẩm in trên các tạp chí, các báo trung ương và địa phương. Thế nhưng mỗi khi nhắc về mình, Nguyễn Phương Dung vẫn vô cùng khiêm tốn. Nhà văn tự nhận mình là “người già” của thế kỷ 21 này, thấy so với thế hệ trẻ bây giờ ngòi bút của mình còn nhiều hạn chế. Hằng ngày bên bàn viết với chồng sách thật cao, nhà văn vẫn cần mẫn đọc, viết lách và học hỏi nhiều cái mới. Nguyễn Phương Dung tâm sự rằng mình yêu văn chương đến tận cùng gan ruột. Viết văn không phải để kiếm sống mà để trải lòng, để giãi bày những tâm sự mà nếu không trút vào những trang văn thì có lẽ chẳng còn biết trải lòng vào đâu nữa. Những kỉ niệm về một thời cầm phấn hằn sâu vào trang viết  Trong cuộc đời cầm phấn, Nguyễn Phương Dung gặp biết bao chuyện vui buồn, tréo ngoe. Nguyễn Phương Dung dạy học tại ở trường Tam Dân 1, Phú Ninh trong những năm 1977 – 1985. Thuở “bao cấp” trường nghèo, cô nghèo và trò cũng nghèo nốt, khó khăn thiếu thốn nghĩ lại vẫn “nổi da gà”. Biết những người thầy của mình rất khó khăn để duy trì việc dạy, học trò có bận ôm đến trường nào là sắn, là khoai, là nhúm gạo, bó rau… để thầy cô có cái lót lòng đứng lớp. Có nhà học trò mua được gói mì chính (thuở ấy mua một gói mì chính vô cùng khó) liền bốc một nhúm gói trong giấy học trò mang đến lớp biếu cô… Lớp học nhiều lứa tuổi, có khi học trò còn lớn hơn cả tuổi cô giáo.  Những tháng ngày cơ cực trải qua cùng nhau hằn sâu vào tâm trí, để sau này rời xa vùng đất Phú Ninh cô trò vẫn cứ thân thiết như ruột thịt đến tận bây giờ. Sau khi rời Phú Ninh, Nguyễn Phương Dung về dạy học ở Tam Kỳ nhưng cái khó khăn vẫn còn đeo đuổi. Thế nhưng tình đồng nghiệp sâu nặng, tình học trò thảo thơm, sự động viên của phụ huynh và nhìn những ánh mắt khao khát sự học đã khiến người phụ nữ bé nhỏ ấy trụ lại với nghề bảng đen phấn trắng cho đến lúc nghỉ hưu. Một thuở khó khăn nhưng nặng ân tình như thế cứ ăm ắp, cứ chảy tràn trên từng câu chữ của Nguyễn Phương Dung. Nghề giáo chính là tư liệu dồi dào để nhà văn đưa vào trang viết chân thật và giản dị của mình. Không gian trường lớp, những câu chuyện vui buồn thầy trò, sự suy vấn về “nghề đưa đò” vẫn là sợi dây xuyên suốt từ buổi đầu sáng tác đến tận bây giờ. Đó là cô giáo trường làng lấy nguyên mẫu từ chính người mẹ của mình trong truyện ngắn Người thầy đầu tiên; là cô giáo Thư trong truyện ngắn Bay qua bão phải sống trong những khinh rẻ về “cái nghề chết đói” ở nhà chồng… Cả một đời cầm phấn, bao nhiêu kỉ niệm, đến lúc về hưu lại gấp gãy bao nhiêu cảm xúc trong truyện ngắn Bóng chiều. Để rồi, mỗi độ tháng 9, trống trường gióng giã cho năm học mới, lòng cô giáo lại nao nao với bao nhiêu là hồi ức trong truyện ngắn “Hằng năm cứ vào cuối thu…”. Nỗi nhớ nhung trường cũ, bạn cũ, nhớ bóng dáng những người thầy lặng lẽ đưa đò cứ cộm lên xốn xang trong những truyện ngắn như Chuyện tụi hắn, biết thuở nào nguôi… Nỗi nhớ không giấu giếm mà cứ thao thiết như một chiều về thăm trường cũ mà bóng dáng ngày xưa không còn nữa. Con trở về không đúng mùa hoa vàng/ Không gặp được những gì con cần gặp/ Con chỉ thấy câu thơ thầy để lại/ Trước khi thầy đi xa…(Dỗ những giấc buồn) Rời quê hương Quảng Nam vào Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Phương Dung vẫn tiếp tục tìm niềm vui bên bảng đen phấn trắng bởi không đi dạy thì buồn lắm. Sống gần cả đời người ở quê hương, ở tuổi xế chiều ly hương vào phố nên không khỏi có cảm giác chênh chao giữa phố phường xa lạ mà mình như ngược đường bay: Chiều cuối năm trời phương Nam đầy nắng/ Ta biết bây chừ cố xứ mưa bay/ Rót xuống dòng sông nửa ly rượu đắng/ Uống giùm ta, cạn nỗi nhớ quê nhà…( Uống rượu chiều phương nam). Tính nữ và cảm thức dở dang   Nguyễn Phương Dung đi qua bao nhiêu đắng đót, thấm bao nhiêu nỗi buồn của người phụ nữ chưa tròn hạnh phúc. Con người ngoài đời và con người văn chương của Nguyễn Phương Dung nhiều phần giống nhau. Cô hay cười, hay rong chơi nơi này nơi kia nhưng ẩn sâu trong đôi mắt ấy là người nhiều tâm sự và suy tư. Gia đình tan vỡ khi cô còn rất trẻ, một mình nuôi con và  gác lại hạnh phúc riêng tư để dành hết tình thương cho con nên truyện ngắn Nguyễn Phương Dung viết nhiều về thân phận của người phụ nữ với cảm thức dở dang, nuối tiếc.. Cuộc đời những người phụ nữ buồn như chiếc ghe lắc lẻo trong đêm tối đưa mẹ con Đỗ theo người đàn ông lạ ngược dòng tìm chồng trong truyện ngắn Nắng lên. Tìm không thấy nhưng lại nhận tin chồng chết, người đàn bà đành gá cuộc đời mình trong khoan ghe chật chội cho người đàn ông khác như một cách trả ơn. Đứa con bỏ nhà ra đi, cũng lo âu, cũng chông chênh trước lựa chọn cho hạnh phúc đời mình khi người yêu cũng có một đứa con riêng. Hay như trong truyện ngắn Sinh nhật nàng, người đàn bà dang dở chưa bao giờ hết yêu và khao khát tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng rồi, những bó hồng được tặng cứ lần lữa để rồi quyết định cuối cùng là sống cho hạnh phúc to lớn đời mình là con cái. Cái hay trong truyện ngắn Nguyễn Phương Dung không nằm ở cốt truyện lắt léo hay cầu kì câu chữ, không lên gân, cũng chẳng triết lí dài dòng mà ở tính nữ mềm mại, chất tự sự dễ đi vào lòng người. Gấp lại cuốn sách, đọng lại trong lòng người đọc một chữ thương. Những người đàn bà với phận đời nhỏ bé nhưng lúc nào cũng chênh chao, cũng dang dở, cũng mang trong lòng nhiều ẩn ức sâu kín. Họ vịn lấy tình yêu, tình người để đi qua những khúc quanh đắng chát của cuộc đời. Dẫu có buồn, có gập gềnh, có khổ đau thế nhưng màu sắc trong truyện vẫn không hề bi lụy. Ví như trong Quá giang một khúc sông đời – truyện ngắn được Tạp chí Đất Quảng tặng thưởng tác phẩm chất lượng cao năm 2022, cô gái nhỏ tên Hoài giữa đêm khuya mịt mùng nghe tin mẹ bệnh đã ra đường xin quá giang về thị xã. Giữa xe heo hôi hám, chật chội, giữa hai người đàn ông xa lạ vẫn ngời lên sự ấm áp tình người. Rồi cuộc đời biến cố, cuộc quá giang chuyến xe ngắn ngủi nhưng tình người thì vẫn cứ ở lại cả cuộc đời. Và với truyện nào cũng vậy, Nguyễn Phương Dung lúc nào cũng để cho nhân vật của mình níu một chữ tình để đứng dậy, để tin vào ngày mai. Văn chương của Nguyễn Phương Dung là cái tâm tình mộc mạc, giản dị của người đàn bà trải lên từng câu chữ. Trong những trang văn tưởng chừng rất riêng lại bắt gặp những câu chuyện, những tâm sự, những buồn vui bé mọn rất đàn bà. Tính nữ như sợi dây mềm mại cứ níu người đọc vào những trang viết mênh mang tình người, tình đời. NHƯ HIỀNtheo Văn Học Sài Gòn

Góc Nhìn Tác Phẩm

Bản lĩnh quân tử trong văn học Nguyễn Huy Thiệp

Bản lĩnh quân tử trong văn học Nguyễn Huy Thiệp

Có thể dự đoán rằng, sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, sẽ lại có một “làn sóng thứ hai” khi những tác phẩm của anh, đặc biệt là những truyện ngắn, xuất hiện trở lại, và lần này sẽ găm rất sâu vào lịch sử văn học đương đại Việt Nam. Nhà văn, có thể giống như nhân vật trong tác phẩm của mình, có thể không. Nhưng dù không giống với nhân vật của mình, thì nhà văn đích thực đều gửi gắm vào nhân vật khí chất sống của mình, bản lĩnh sống của mình, nhân sinh quan của mình. Sự gửi gắm ấy ở Nguyễn Huy Thiệp là rất đậm nét. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021) Tôi mới đọc một đoạn của một nhà văn, nhà phê bình Việt hải ngoại, trong đó trích vài đoạn thư của Nguyễn Huy Thiệp gửi mình, qua đó đánh giá Thiệp vẫn là “nhà văn của nước nhược tiểu”. Nhưng tôi nghĩ, là nhà văn của “nước nhược tiểu” thì đã sao? Có thể nhà văn ấy chưa rành lắm chuyện giao dịch để tác phẩm mình được dịch và in ở nước ngoài, văn phong trong vài bức thư ấy có thể hơi quá khiêm nhường. Nhưng khiêm nhường đâu phải là phẩm chất xấu, càng không phải phẩm chất của nhà văn “nước nhược tiểu”. Ngược lại, khiêm nhường thuộc về văn minh là một phẩm chất rất đáng trân trọng. Phải thú thật là lâu nay tôi không đọc Nguyễn Huy Thiệp, nhưng những truyện ngắn thời kỳ đầu của Thiệp đã khiến tôi vô cùng sung sướng khi đọc chúng. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn không “tiến bộ từ từ”, anh làm một nhát xong ngay. Xuất hiện là gây sóng gió, là hào quang rỡ ràng, là phân đôi ngay trận tuyến giữa những người thích văn mình, ủng hộ văn mình và những người ghét văn mình, dị ứng với văn mình. Làm được điều đó không hề dễ. Tôi vẫn nhớ cái ấn tượng đầu tiên khi đọc những “Tướng về hưu”, “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết” và sâu một khoảng ngắn là “Những người thợ rừng”, “Sang sông”. Nguyễn Huy Thiệp bằng những tác phẩm đầu tay ấy, đã khẳng định vị trí chắc nịch của mình trên văn đàn và không chỉ văn đàn Việt. Đúng là, nếu anh ở Mỹ hay ở châu Âu, tác phẩm của anh có thể gây chấn động ở những văn đàn lớn nhất. Nhưng anh là người Việt, ở trên đất Việt Nam, anh phải chịu những khó khăn mà những nhà văn hàng đầu Việt Nam đều phải chịu. Điều đó chưa hẳn đã dở. Khi hoàn cảnh càng khó khăn, thậm chí khắc nghiệt thì nó lại là môi trường kích thích nhà văn vượt lên với những ý tưởng xuất thần. Nguyễn Huy Thiệp đã làm được điều đó. Tôi nhớ, trong một số truyện ngắn thuộc thời kỳ đầu của Thiệp, thỉnh thoảng anh có chen vào vài đoạn thơ. Tôi đọc và hiểu là anh chịu ảnh hưởng của Bertolt Brecht nhưng ảnh hưởng tốt và thơ anh hay, hợp với truyện anh viết. Nó như những “trữ tình ngoại đề”, thứ không hề thiếu trong kịch Brecht nhưng không bao giờ thừa. Sau này, Nguyễn Huy Thiệp còn viết kịch và văn đối thoại của anh đưa vào kịch là quá hợp. Nó vừa sắc sảo, vừa mông lung. Đó là nhà văn không từ chối phương Tây, nhưng hồn cốt của anh vẫn thuộc về phương Đông, thuộc về Việt Nam. Có những đoạn văn của Thiệp là sâu thẳm, một kiểu sâu thẳm mà trong văn xuôi Việt Nam, tới Nguyễn Huy Thiệp mới thấy có. Thế cũng là quá đủ cho một nhà văn, nó hơn mọi giải thưởng, hơn có triệu người đọc, hơn những danh hiệu thực chất và không thực chất mà nhà văn có thể được nhận. Tôi rất vui, vì khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, những đánh giá về văn học của anh, về di sản mà anh để lại là rất thống nhất. Trưa ngày 24/3, tôi đang ngồi xe ô tô từ Bình Định chạy ra, nghe bài viết về lễ tang Nguyễn Huy Thiệp, một bài viết có nhận định chứ không chỉ đưa tin, bài viết đã khiến tôi rất chú ý. Vì nó khá sâu sắc, không rào đón và những ngợi ca trong đó là thật lòng. Có thể dự đoán rằng, sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, sẽ lại có một “làn sóng thứ hai” khi những tác phẩm của anh, đặc biệt là những truyện ngắn xuất hiện trở lại. Và lần này sẽ găm rất sâu vào lịch sử văn học đương đại Việt Nam, sẽ được đón nhận với rất nhiều người đọc có chất lượng và sẽ được đánh giá phong phú hơn là những lời ngợi ca đơn giản mà mấy hôm nay chúng ta đã đọc, đã nghe. Một nhà văn có thể sống bình thường như mọi người khác, nhưng toàn bộ cái “bản lĩnh quân tử” của anh đã thể hiện hết trong văn anh, thì đó là nhà văn không có gì phải hối tiếc. Nghĩ cho cùng, chỉ tác phẩm mới đánh giá nhà văn chính xác nhất, chứ không phải những thứ khác. THANH THẢO                          

Nhịp Sống Nhà Văn

Nhà văn Triệu Xuân: Sống và viết trong cơn bạo bệnh!

Nhà văn Triệu Xuân: Sống và viết trong cơn bạo bệnh!

Nhà văn Triệu xuân sau thời gian bệnh nặng đã từ trần tại TPHCM hưởng thọ 70 tuổi. Tưởng nhớ một nhà văn suốt đời nặng nợ với duyên nghiệp, xin trân trọng giới thiệu bài viết về ông… Nhà văn Triệu Xuân Nhà văn Triệu Xuân, tác giả những cuốn tiểu thuyết đình đám một thời như Giấy trắng, Trả giá, Bụi đời, Cõi mê…dù mang trong người bạo bệnh nhưng vẫn kiên gan, lạc quan chiến đấu với nó. “Cuộc sống với rất nhiều thử thách khắc nghiệt nhưng tôi yêu vô cùng. Cuộc đời này đẹp vô cùng…”- ông tâm sự – “cả cuộc đời Triệu Xuân sống để viết và giờ vẫn vậy”! 1. Còn nhớ sau Tết Kỷ Hợi (tháng 2.2019), nhà văn Triệu Xuân nhập viện để cắt nội soi phì đại lành tuyến tiền liệt. Sau khi làm hàng loạt xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán ông mắc căn bệnh ung thư phổi, giai đoạn cuối, khối u lớn, di căn xương! Tôi hỏi thăm, ông bình tĩnh cho biết: “Điều trị bệnh mỗi ngày tốn gần 4 triệu đồng! Liệu trình kéo dài 2 năm, nếu Trời, Phật còn cho sống! Bởi thế, đợt này ra sách Sống & Viết, Fahasa mua trọn gói cho chú, chú mừng lắm! Cám ơn Fahasa nhiều lắm!”. Biết tôi muốn tìm đọc lại toàn bộ các cuốn tiểu thuyết của ông, ông nhắn: “Nay chú đã tìm được mấy cuốn, không được đủ cháu ạ…Chú gửi chuyển phát nhanh tới cháu 5 cuốn sách, có 3 cuốn tiểu thuyết tái bản cách nay chục năm…”. Ngày thứ Tư 19.2.2020, sau 2 ngày, nhà văn Triệu Xuân gửi sách từ TP.HCM ra Hà Nội, tôi đã nhận được sách với niềm vui sướng vô bờ của một kẻ yêu sách! Đến trưa thứ Tư, 19.2, đã thấy ông nhắn ra: “Cháu đã nhận được sách chưa?”. Tôi vui mừng hồi đáp: “Cháu đã nhận được sách rồi, chú ạ!”. Nhà văn Triệu Xuân bao giờ cũng ân cần với lớp hậu sinh như thế! Rồi bất ngờ, hôm 5.3.2020, tôi nhận được tin nhắn của Triệu Xuân: “Phùng Hoàng Anh! Bệnh chuyển lẹ quá. Chú không còn nhiều thời gian nữa. Chú đang tập hợp bài để in cuốn Triệu Xuân nghĩa tình bạn hữu, 400 trang, dự kiến ra mắt vào tháng 5.2020. Tập sách gồm những bài của các nhà văn, nhà báo, bạn đọc viết tác phẩm và tác giả Triệu Xuân, từ đầu thập niên 80 thế kỷ 20 đến nay. Mong có bài của cháu”. Nhận được tin nhắn của chú mà tôi ứa nước mắt, như vậy là nhà văn Triệu Xuân đang phải chạy đua với thời gian để tận chiến với cơn bạo bệnh đang tàn phá sức lực của ông hàng ngày. Ông cho biết vẫn cố gắng hết sức để điều trị bệnh tật, chỉ mong sao mau chóng khỏi bệnh để tiếp tục sự nghiệp văn chương còn đang dang dở. “Tôi ăn uống bình thường, nhưng chỗ bệnh đã di căn vào xương thì đau lắm. Dù sao cũng phải cố gắng thôi. Tôi đang kiên gan, lạc quan chiến đấu cùng bệnh tật. Cuộc sống với rất nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt nhưng tôi yêu vô cùng. Cuộc đời này đẹp vô cùng…” – nhà văn Triệu Xuân bộc bạch. 2. Trong thời gian điều trị bệnh hơn một năm qua, công việc mà nhà văn Triệu Xuân làm được là gom góp tư liệu, biên tập và cho ra mắt Sống & Viết, tập phê bình – tiểu luận – chân dung vào đầu năm 2020. Tập sách có dung lượng khá đồ sộ: 612 trang, với nội dung phong phú. Thông qua hơn 70 đề mục văn chương, văn hóa, nhiều nhất là những bài phê bình, tiểu luận, lời tựa cho các tác phẩm, các bộ tuyển tập, toàn tập của các nhà văn, Sống & Viết đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về văn học Việt Nam đương đại. Sống & Viết khắc họa chân dung của các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo, dịch giảmà ông quen biết như: Trần Văn Giàu, Phan Quang, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Hữu Dũng, Lương Văn Hồng… Nhưng nhiều nhất là các nhà văn: Thu Bồn, Nguyễn Khải, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Trần Hoài Dương, Nghiêm Đa Văn, Xích Điểu, Nguyễn Lâm, Nguyễn An Định, Bùi Ngọc Tấn…Không chỉ đề cập những nhà văn lớn, có vai vế trong làng văn học, Triệu Xuân dành nhiều trang viết trân trọng những nhà văn “cả đời lặng lẽ sống và viết” như Hoài Anh. Triệu Xuân đã giúp đỡ nhà văn Hoài Anh ra mắt rất nhiều tác phẩm để có cơ hội “sánh” với Tô Hoài về số lượng đầu sách. Đọc Sống & Viết là đọc chuyện một người để hiểu thêm nhiều người. 3.Triệu Xuân sinh năm 1952 (Nhâm Thìn) tại Hải Dương- xứ Đông. Còn tôi sinh năm 1976 (Bính Thìn), tôi kém ông đúng hai giáp (24 năm), tại Hà Nội – vùng xứ Đoài, bởi thế tôi thường xưng hô, gọi ông là chú, xưng cháu, tôi biết ông từ năm 2011, khi ông có bài viết đăng trên báo, nói về chuyến đi của ông từ TP.HCM ra Bắc, có qua thăm nơi thờ danh nhân văn hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn, khi tới nhà thờ, ông ngạc nhiên, nơi thờ một nhà bác học lừng danh mà tủ sách chỉ lèo tèo vài cuốn… Ngay sau chuyến đi ấy, về TP.HCM, ông cùng bạn bè của mình trong Nhóm Văn chương Hồn Việt, gửi ra theo đường tàu, hàng trăm đầu sách văn học tặng Nhà lưu niệm – Từ đường Lê Quý Đôn. Sau dịp ấy, tôi cũng ngỏ lời xin ông gửi ra Bắc tặng một thùng sách, trị giá theo bìa gần 10 triệu đồng để tặng cho Thư viện Trường THCS Vân Hòa, huyện Ba Vì, một xã miền núi của tỉnh Hà Tây (cũ), và nay thuộc thủ đô Hà Nội. Kể từ sau đó, tôi thường xuyên liên lạc với ông. Có khi tôi vừa post xong những tấm hình chụp những khóm hoa hồng ở vườn nhà lên trang Facebook cá nhân, đã nhận ngay được sự tương tác và phản hồi từ ông và người vợ hiền, hết mực chăm sóc ông là cô Lê Hạnh, hỏi về cách chăm sóc cây hoa hồng như thế nào… Tôi chia sẻ với cô chú cách chăm sóc hoa hồng. Rồi, tôi được nghe cô Hạnh chia sẻ về tình hình sức khỏe của chú hiện thời ra sao… Cuộc đời nhà văn Triệu Xuân thật năng động, phong phú và ý nghĩa! Sống ở cả ba miền Tổ quốc, tiếp xúc nhiều loại người, xông xáo trong nhiều lĩnh vực… Nhờ có vốn sống phong phú đó, ông đã sáng tác hàng chục tiểu thuyết và truyện, ký có giá trị. Bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc rất khâm phục Triệu Xuân bởi ông là người luôn tiên phong, nhiệt thành tham gia các hoạt động văn nghệ trên nhiều cương vị khác nhau. Nhóm Văn chương Hồn Việt của ông, chỉ tính riêng số sách văn học gửi tặng các đơn vị, địa phương, thư viện, trường học trong toàn quốc trong 12 năm qua đã đạt tới con số gần 2 tỷ đồng (theo giá bìa). Là người tâm huyết với văn học, với mong muốn khích lệ niềm đam mê học văn và đọc sách văn học, từ năm 2006, nhà văn Triệu Xuân đã nêu ý tưởng sáng lập Quỹ Phát triển tài năng Văn học Việt Nam, được xã hội ủng hộ, trợ lực. Hầu hết tiểu thuyết của ông đều được các NXB tái bản nhiều lần. Ngoài tiểu thuyết, ông viết truyện ngắn, ký. Tập truyện ký chọn lọc Lấp lánh tình đời – NXB Văn học xuất bản năm 2007 cho thấy nhà văn rất sắc sảo trong các thể loại. Đưọc biết, ngay từ những năm 1980, Triệu Xuân từng được đi công tác ở nước ngoài nhiều lần, thường là đi một mình cả tháng trời. Ông đã tới hầu hết các nước lớn, và khi về nước đã cho in hàng loạt bút ký văn học ngồn ngộn vốn sống, hiện thực xứ người… Ông bảo rằng, đi khảo sát nước người để suy ngẫm về hiện tình đất nước mình, và vì thế, hàng loạt bút ký đã ra đời. Tôi viết bài báo này tha thiết gửi tấm lòng kính phục, yêu quý nhà văn Triệu Xuân. Tôi tin rằng với một người hiền như ông thì chắc chắn sẽ có phép nhiệm màu xuất hiện để giúp ông vượt qua giai đoạn gian nan nhất, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục Sống & Viết! PHÙNG HOÀNG ANHBáo Thể Thao & Văn Hóa