Giỏ hàng của bạn trống!
Vận chuyển
Vận chuyển toàn quốc
LÒNG CHƯA CẠN ĐÊM SÂU - Một phức cảm của hai chiều cảm xúc
Gs.Ts Trần Văn Nam
Tập ký – phê bình “Lòng chưa cạn đêm sâu” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng vừa ra mắt tại Thư viện Đà Nẵng. Với tôi, thì bìa và trình bày bìa, cũng như phụ bản đẹp, lạ, độc đáo. Nếu không đọc thấu ý đoạn trích từ bài thơ “Ngõ hẹp” ở đầu sách: “ngõ hẹp dần/ lối mòn cũng nhỏ dần/ mòn ánh trăng khuya/ cong vút lưỡi liềm/ rơi xuống/ chạm ngõ nhà em/ tôi đã mòn/ và đời thôi đã hẹp/ lối nhỏ dần nhỏ dần/ lấp khuất/ ngày thì xa mờ mịt/ chỉ lòng tôi chưa cạn đêm sâu” thì đúng là thật khó hiểu được ý của tác giả muốn gửi gắm trong cái tựa của tập sách này. Đúng là tên tập sách đẹp như một câu thơ như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Tổng biên tập Tạp chí Non Nước trong phần giao lưu với tác giả. Tôi rất thích và trân trọng “Lòng chưa cạn đêm sâu” ngay từ “cái nhìn” đầu tiên ấy
.
Phần Một gồm 28 bài ký, tản văn của Nguyễn Ngọc Hạnh viết về quê nhà, về bạn bè, về đồng nghiệp… Tôi thì thích và quan tâm nhất là những bài viết về quê nhà, phần viết về bạn bè, đồng nghiệp. Qua đó tôi cũng tìm thấy nhiều thi vị qua góc nhìn, mô tả và nhận định của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Một cách nhìn chân tình, sâu lắng khi viết về các nhân vật thân quen trong tập sách này. Đọc “Lòng chưa cạn đêm sâu”, chúng ta dễ thấy hiện lên một Nguyễn Ngọc Hạnh là người quá đỗi thân thương. Mỗi một nhân vật trong tập sách đều nặng một chữ tình. Cái tình của họ với cuộc đời này; và cái tình của Nguyễn Ngọc Hạnh đối với họ tràn đầy chan chứa yêu thương.
Các bài viết về quê nhà của Nguyễn Ngọc Hạnh sao mà gần gũi, thân thương đến lạ lùng. Đọc mà cảm nhận như người viết cũng hiểu được tâm tình của mình về quê hương, như tuổi thơ với bao ký ức hằn sâu, như gắn với máu thịt của mình vậy. Càng đọc tôi luôn càng tự hỏi “Sao mà Nguyễn Ngọc Hạnh có thể hiểu chúng ta đến thế nhỉ”. Tôi rất tâm đắc ý với nhận xét của nhà thơ Thái Thăng Long: “Nguyễn Ngọc Hạnh sinh ra là để viết về cái làng quê, nơi mình sinh ra”. “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn”. Và các bài “Một ngày quê mẹ”, “Về quê”, “Không đâu bằng chốn quê nhà”, “Buôn gánh” là cảm xúc rất thật, rất dạt dào, day dứt về làng xưa, là “Ký ức quê nhà”, là hoài niệm khôn nguôi với làng quê Bảo An và con sông Vu Gia, Thu Bồn huyền thoại
Gần nửa tập sách còn lại là những bài viết về Nguyễn Ngọc Hạnh của những nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ tên tuổi ở khắp mọi miền đất nước. Phải là một con người biết trang trải, rộng mở lòng mình; phải là một con người biết nghĩ, biết sống vì người khác; phải là một con người biết trọng, biết yêu cái đẹp đắm say Nguyễn Ngọc Hạnh mới nhận được nhiều tình cảm của anh em bạn bè như thế. Thật đáng trân trọng.
GS.TS Trần Văn Nam Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 551
Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.