Giỏ hàng của bạn trống!

Nhà văn Triệu Xuân: Sống và viết trong cơn bạo bệnh!

26/10/2021

Nhà văn Triệu xuân sau thời gian bệnh nặng đã từ trần tại TPHCM hưởng thọ 70 tuổi. Tưởng nhớ một nhà văn suốt đời nặng nợ với duyên nghiệp, xin trân trọng giới thiệu bài viết về ông…

Nhà văn Triệu Xuân

Nhà văn Triệu Xuân, tác giả những cuốn tiểu thuyết đình đám một thời như Giấy trắng, Trả giá, Bụi đời, Cõi mê…dù mang trong người bạo bệnh nhưng vẫn kiên gan, lạc quan chiến đấu với nó. “Cuộc sống với rất nhiều thử thách khắc nghiệt nhưng tôi yêu vô cùng. Cuộc đời này đẹp vô cùng…”- ông tâm sự – “cả cuộc đời Triệu Xuân sống để viết và giờ vẫn vậy”!

1. Còn nhớ sau Tết Kỷ Hợi (tháng 2.2019), nhà văn Triệu Xuân nhập viện để cắt nội soi phì đại lành tuyến tiền liệt. Sau khi làm hàng loạt xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán ông mắc căn bệnh ung thư phổi, giai đoạn cuối, khối u lớn, di căn xương! Tôi hỏi thăm, ông bình tĩnh cho biết: “Điều trị bệnh mỗi ngày tốn gần 4 triệu đồng! Liệu trình kéo dài 2 năm, nếu Trời, Phật còn cho sống! Bởi thế, đợt này ra sách Sống & Viết, Fahasa mua trọn gói cho chú, chú mừng lắm! Cám ơn Fahasa nhiều lắm!”.

Biết tôi muốn tìm đọc lại toàn bộ các cuốn tiểu thuyết của ông, ông nhắn: “Nay chú đã tìm được mấy cuốn, không được đủ cháu ạ…Chú gửi chuyển phát nhanh tới cháu 5 cuốn sách, có 3 cuốn tiểu thuyết tái bản cách nay chục năm…”.

Ngày thứ Tư 19.2.2020, sau 2 ngày, nhà văn Triệu Xuân gửi sách từ TP.HCM ra Hà Nội, tôi đã nhận được sách với niềm vui sướng vô bờ của một kẻ yêu sách! Đến trưa thứ Tư, 19.2, đã thấy ông nhắn ra: “Cháu đã nhận được sách chưa?”. Tôi vui mừng hồi đáp: “Cháu đã nhận được sách rồi, chú ạ!”.

Nhà văn Triệu Xuân bao giờ cũng ân cần với lớp hậu sinh như thế!

Rồi bất ngờ, hôm 5.3.2020, tôi nhận được tin nhắn của Triệu Xuân: “Phùng Hoàng Anh! Bệnh chuyển lẹ quá. Chú không còn nhiều thời gian nữa. Chú đang tập hợp bài để in cuốn Triệu Xuân nghĩa tình bạn hữu, 400 trang, dự kiến ra mắt vào tháng 5.2020. Tập sách gồm những bài của các nhà văn, nhà báo, bạn đọc viết tác phẩm và tác giả Triệu Xuân, từ đầu thập niên 80 thế kỷ 20 đến nay. Mong có bài của cháu”.

Nhận được tin nhắn của chú mà tôi ứa nước mắt, như vậy là nhà văn Triệu Xuân đang phải chạy đua với thời gian để tận chiến với cơn bạo bệnh đang tàn phá sức lực của ông hàng ngày.

Ông cho biết vẫn cố gắng hết sức để điều trị bệnh tật, chỉ mong sao mau chóng khỏi bệnh để tiếp tục sự nghiệp văn chương còn đang dang dở.

“Tôi ăn uống bình thường, nhưng chỗ bệnh đã di căn vào xương thì đau lắm. Dù sao cũng phải cố gắng thôi. Tôi đang kiên gan, lạc quan chiến đấu cùng bệnh tật. Cuộc sống với rất nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt nhưng tôi yêu vô cùng. Cuộc đời này đẹp vô cùng…” – nhà văn Triệu Xuân bộc bạch.

2. Trong thời gian điều trị bệnh hơn một năm qua, công việc mà nhà văn Triệu Xuân làm được là gom góp tư liệu, biên tập và cho ra mắt Sống & Viết, tập phê bình – tiểu luận – chân dung vào đầu năm 2020. Tập sách có dung lượng khá đồ sộ: 612 trang, với nội dung phong phú. Thông qua hơn 70 đề mục văn chương, văn hóa, nhiều nhất là những bài phê bình, tiểu luận, lời tựa cho các tác phẩm, các bộ tuyển tập, toàn tập của các nhà văn, Sống & Viết đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về văn học Việt Nam đương đại.

Sống & Viết khắc họa chân dung của các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo, dịch giảmà ông quen biết như: Trần Văn Giàu, Phan Quang, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Hữu Dũng, Lương Văn Hồng… Nhưng nhiều nhất là các nhà văn: Thu Bồn, Nguyễn Khải, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Trần Hoài Dương, Nghiêm Đa Văn, Xích Điểu, Nguyễn Lâm, Nguyễn An Định, Bùi Ngọc Tấn…Không chỉ đề cập những nhà văn lớn, có vai vế trong làng văn học, Triệu Xuân dành nhiều trang viết trân trọng những nhà văn “cả đời lặng lẽ sống và viết” như Hoài Anh. Triệu Xuân đã giúp đỡ nhà văn Hoài Anh ra mắt rất nhiều tác phẩm để có cơ hội “sánh” với Tô Hoài về số lượng đầu sách. Đọc Sống & Viết là đọc chuyện một người để hiểu thêm nhiều người.

3.Triệu Xuân sinh năm 1952 (Nhâm Thìn) tại Hải Dương- xứ Đông. Còn tôi sinh năm 1976 (Bính Thìn), tôi kém ông đúng hai giáp (24 năm), tại Hà Nội – vùng xứ Đoài, bởi thế tôi thường xưng hô, gọi ông là chú, xưng cháu, tôi biết ông từ năm 2011, khi ông có bài viết đăng trên báo, nói về chuyến đi của ông từ TP.HCM ra Bắc, có qua thăm nơi thờ danh nhân văn hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn, khi tới nhà thờ, ông ngạc nhiên, nơi thờ một nhà bác học lừng danh mà tủ sách chỉ lèo tèo vài cuốn… Ngay sau chuyến đi ấy, về TP.HCM, ông cùng bạn bè của mình trong Nhóm Văn chương Hồn Việt, gửi ra theo đường tàu, hàng trăm đầu sách văn học tặng Nhà lưu niệm – Từ đường Lê Quý Đôn.

Sau dịp ấy, tôi cũng ngỏ lời xin ông gửi ra Bắc tặng một thùng sách, trị giá theo bìa gần 10 triệu đồng để tặng cho Thư viện Trường THCS Vân Hòa, huyện Ba Vì, một xã miền núi của tỉnh Hà Tây (cũ), và nay thuộc thủ đô Hà Nội. Kể từ sau đó, tôi thường xuyên liên lạc với ông. Có khi tôi vừa post xong những tấm hình chụp những khóm hoa hồng ở vườn nhà lên trang Facebook cá nhân, đã nhận ngay được sự tương tác và phản hồi từ ông và người vợ hiền, hết mực chăm sóc ông là cô Lê Hạnh, hỏi về cách chăm sóc cây hoa hồng như thế nào… Tôi chia sẻ với cô chú cách chăm sóc hoa hồng. Rồi, tôi được nghe cô Hạnh chia sẻ về tình hình sức khỏe của chú hiện thời ra sao…

Cuộc đời nhà văn Triệu Xuân thật năng động, phong phú và ý nghĩa! Sống ở cả ba miền Tổ quốc, tiếp xúc nhiều loại người, xông xáo trong nhiều lĩnh vực… Nhờ có vốn sống phong phú đó, ông đã sáng tác hàng chục tiểu thuyết và truyện, ký có giá trị. Bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc rất khâm phục Triệu Xuân bởi ông là người luôn tiên phong, nhiệt thành tham gia các hoạt động văn nghệ trên nhiều cương vị khác nhau. Nhóm Văn chương Hồn Việt của ông, chỉ tính riêng số sách văn học gửi tặng các đơn vị, địa phương, thư viện, trường học trong toàn quốc trong 12 năm qua đã đạt tới con số gần 2 tỷ đồng (theo giá bìa).

Là người tâm huyết với văn học, với mong muốn khích lệ niềm đam mê học văn và đọc sách văn học, từ năm 2006, nhà văn Triệu Xuân đã nêu ý tưởng sáng lập Quỹ Phát triển tài năng Văn học Việt Nam, được xã hội ủng hộ, trợ lực.

Hầu hết tiểu thuyết của ông đều được các NXB tái bản nhiều lần. Ngoài tiểu thuyết, ông viết truyện ngắn, ký. Tập truyện ký chọn lọc Lấp lánh tình đời – NXB Văn học xuất bản năm 2007 cho thấy nhà văn rất sắc sảo trong các thể loại. Đưọc biết, ngay từ những năm 1980, Triệu Xuân từng được đi công tác ở nước ngoài nhiều lần, thường là đi một mình cả tháng trời. Ông đã tới hầu hết các nước lớn, và khi về nước đã cho in hàng loạt bút ký văn học ngồn ngộn vốn sống, hiện thực xứ người… Ông bảo rằng, đi khảo sát nước người để suy ngẫm về hiện tình đất nước mình, và vì thế, hàng loạt bút ký đã ra đời.

Tôi viết bài báo này tha thiết gửi tấm lòng kính phục, yêu quý nhà văn Triệu Xuân. Tôi tin rằng với một người hiền như ông thì chắc chắn sẽ có phép nhiệm màu xuất hiện để giúp ông vượt qua giai đoạn gian nan nhất, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục Sống & Viết!

PHÙNG HOÀNG ANH
Báo Thể Thao & Văn Hóa

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: