Bạn hẳn đã nghe đến tên nhà thơ họ Vũ này. Ông sinh ở Nam Định, vào đời ở Hà Nội, là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới (1932 – 1945) với các tập thơ “Say” 1940), “Mây” (1943). Sự nghiệp của ông còn tiếp tục sau năm 1954 khi vào Nam với nhiều tập thơ khác. Thời kỳ này ông từng làm Chủ tịch Hội Văn Bút và được vinh danh là Thi bá của miền Nam Việt Nam.
Cuốn “Ta đã làm chi đời ta” được in lần đầu năm 1974 ở Sài Gòn tại cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký. Đây là một cuốn hồi ký (hai chữ “bút ký” ghi trên bìa sách lần tái bản này chỉ nói đúng phần nào thể loại) của Vũ Hoàng Chương viết về cuộc sống văn nghệ ở miền Bắc từ đầu thập niên 1940 cho đến giữa thập niên 1950 mà ông là một người tham dự, một người chơi hết mình.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916 – 1976)
Gọi họ Vũ là một người chơi quả không ngoa khi trong toàn bộ cuốn sách ông kể về những chuyến đi chơi, những cuộc rong chơi cùng các bạn hữu văn nghệ khắp mấy tỉnh đồng bằng Bắc Bộ – Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang. Từ đó người đọc được theo bước chân của Hoàng (như ông tự gọi mình trong sách) gặp gỡ các văn nhân tài tử như Nguyễn Bính, Ngân Giang, Tô Hoài, Thế Lữ, Chu Ngọc, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, Đinh Hùng, Huy Cận, Phan Khắc Khoan, Bàng Bá Lân, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Hoàng Cầm…, được cùng ông và các văn hữu xướng họa thơ văn, được biết sự tích một số bài thơ của ông và những thi nhân khác, biết ông còn giỏi làm kịch thơ, ngâm thơ, và có tài dịch thơ Hán, được nghe ông kể những chuyện tình cảm cùng là những thú vui chơi của mình.
Cuộc chơi của Vũ Hoàng Chương là cuộc chơi văn thơ nghệ thuật tuyệt đích tuyệt thú. Ông ý thức rõ về mình và cuộc chơi này. “Lại được Trời Đất kia cho vay tạm cái hồn văn trong một kiếp Người, đâu lẽ mình để cho khối ngọc bị hoen mờ nơi bùn bụi trên các nẻo lợi danh! Có ngọc quý – dầu chỉ vay tạm trong thời hạn một trăm năm – tất phải đưa nó lên những đỉnh cao nhất của tình cảm để nó có dịp hội tụ được tối đa những tia sáng vạn năng từ đó bùng cháy lên ngọn lửa Sáng Tạo” (tr. 172). Ông tự tin vào hồn Thơ của Hoàng và khi một nữ sĩ người đẹp muốn được ông truyền cho hồn ấy ông đã viết: “Trước tiên phải coi nhẹ hết mọi thành kiến, dư luận, mọi hậu quả, bất cứ hậu quả này ra sao” (tr. 116). Và trong các cuộc chơi đó ông đều chứng tỏ được cái tài cái tình của mình với bạn hữu.
Đọc ông ta thấy tình văn nhân thật tri âm tri kỷ mà cũng nhiều cung bậc, sắc thái hỉ nộ ái ố. Cuốn sách như cuốn phim giữ lại cho văn học sử nước nhà một thời đoạn văn nghệ không còn có lại, mãi mãi gắn liền với một thời ly tao của đất nước. Đúng như tiến sĩ văn học Võ Văn Nhơn đã viết trong lời giới thiệu đầu sách: “Nghiền ngẫm hồi ký của Vũ Hoàng Chương và các nhà văn cùng thời, ta thấy đó không chỉ là tiếng nói của những cá nhân, tiếng nói của một thời đã qua, mà còn từ những bài học cụ thể đó, chúng ta có thể suy nghĩ về nhiều vấn đề cho hôm nay” (tr. 11).
Bìa sách “Ta đã làm chi đời ta”
của Vũ Hoàng Chương
Vũ Hoàng Chương thường được gọi là “nhà thơ Say” theo tên một tập thơ của ông. Nhưng nhà thơ tưởng như chỉ say trong khói phù dung thả hồn bay bổng trên cánh tiên cánh mộng về những cõi trời Đông phương nghìn xưa ấy lại là người đã viết nên những dòng thơ hào hùng, lẫm liệt về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Câu chuyện ông kể về bài thơ “Trả ta sông núi” trong tập sách cho người đọc biết thêm một khía cạnh hồn thơ và một phương diện con người ông. Bài thơ dài hơn trăm câu Vũ Hoàng Chương viết làm khai từ cho vở kịch “Nguyễn Thái Học” của Ban kịch Thế Lữ đã vang lên trên sân khấu một rạp hát ở Hà Nội năm 1945 gây xúc động ghê gớm như chính lời ông nói: “Tiếng vỗ tay vang dội tưởng đến vỡ rạp; mà không biết ai ngâm bài khai từ hôm đó, giọng thê thiết như tức tưởi, lại hùng tráng như lệnh xuất quân!” (tr. 100). Bạn có thể đọc toàn bộ bài thơ trong sách này.
Đến nay đọc lại bài thơ đó của Vũ Hoàng Chương chúng ta vẫn thấy như ông viết cho bây giờ.
“Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng núi nguy nga
“Trả ta sông núi!” bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta…
“Trả ta sông núi!” từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:
“Không đòi, ai trả núi sông ta!”…
*
Ngày nay muốn sông bền núi vững
Phải làm sao cho xứng người xưa.
Yêu nòi giống, hiểu thời cơ
Bốn phương một ý phụng thờ Giang Sơn.
Đừng lo yếu, hãy chung hờn
Cần câu đánh giặc từng hơn giáo dài!
*
“Trả núi sông ta!” lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai.
“Trả ta sông núi!” câu hùng tráng
Là súng là gươm giữ đất đai…
Trông lên cao ngất phương trời
Hồn thiêng liệt sĩ bừng tươi sắc Cờ.”
Được viết ra từ khoảng cách ba mươi năm khi những cuộc vui cuộc chơi này đã lùi vào dĩ vãng, đã trở thành kỷ niệm và là kỷ niệm trong cả xa cách không gian không còn cơ hội được gặp lại những cảnh cũ người xưa, giọng văn kể của Vũ Hoàng Chương vừa vẫn đầy thích khoái lại vừa có chút ngậm ngùi, thương cảm. Nhất là ở những bài cuối trong tập khi ông không chỉ hoài niệm mà còn vọng tưởng và nghĩ suy về thế sự, nhân tình trong cảnh chia cắt Bắc Nam. Như câu hỏi sao lại thế được “tai mắt như không phải của mình” khi ông nhắc lại bài thơ xướng họa với cụ Phan Khôi hồi đầu cuộc kháng Pháp khi hai người cách biệt hai nơi (tr. 201-206). Hay như tâm tư thời đại của ông với Thăng Long, Thuận Hoá, Bến Nghé khi giữa Sài Gòn buổi loạn ly nhớ lại bài thơ xướng họa với nữ sĩ Mộng Thiên khóc Huế năm 1947 hồi đang chạy tản cư (tr.213-214).
Tôi đọc “Ta đã làm chi đời ta” từ bản in đầu đến bản in này, (hai bản in đầy đủ), vẫn nguyên xúc động và cảm khái. Vũ Hoàng Chương đã đặt cho thiên hồi ký văn nghệ đất Bắc của mình một cái tên thật hay, thật thâm thuý. Tôi rất thích cái tên đó, một trong ít những cái tên hồi ký, tự truyện, sâu sắc, vì thế bài viết đọc sách này tôi không đặt một cái tên riêng như mọi lần mà quyết định dùng lại luôn tên sách của ông. Đó là một câu hỏi nhưng cũng là một câu trả lời. Hơn thế, đó là một câu khẳng định. Nhà thơ tự trào và tự hào về mình đã sống được một đời (một đoạn đời) thích chí. Cái đời mình đó Vũ Hoàng Chương đã được sống trong phóng túng hình hài và phóng cuồng tâm trí, ít nhất là ở đoạn đời ông đã sống và kể lại trong sách này, để làm tỏa sáng viên ngọc quý hồn văn Trời Đất đã đặt vào ông. Nhờ đó, đọc sách này tôi còn học được ông cách thẩm thơ, bình thơ, nhất là dịch thơ. Nói không quá, Vũ Hoàng Chương là một người dịch thơ Hán tài hoa rất mực thời hiện đại dù ông không chuyên dịch.
Đà Lạt 5.7.2020
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Theo vanhocsaigon