Giỏ hàng của bạn trống!

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU: 'SÁCH DẪN ĐẾN KHÔNG GIAN MỞ CHO CUỘC SỐNG'

15/10/2021


Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Sách mở ra không gian sống

* Việc đọc sách giúp ích gì cho cuộc sống những ngày giãn cách của ông?

- Kể cả khi chưa giãn cách, những ngày nghỉ, tôi hầu như không ra khỏi nhà, vì tủ sách trong nhà đã đủ để tôi lang thang ngoài thế giới. Sách cho tôi tiếp xúc vạn vật mà không cần bước đi, cứ thế tôi đắm mình trong thế giới ấy.

Trong những ngày này, nhiều người rơi vào tình trạng bất ổn về tâm lý, thậm chí là trầm cảm. Sách khi đó là con đường dẫn đến không gian mở cho cuộc sống. Con người bước vào cuốn sách và tìm thấy thế giới riêng của mình, được kết nối với vạn vật bên ngoài.

Sách giúp ta giải tỏa, chia sẻ và tĩnh tâm hơn. Nó khiến ta suy ngẫm lại cuộc sống hối hả trước đó, để bước chậm lại, trân trọng những gì xung quanh hơn.

* Các tác phẩm ông thường đọc hỗ trợ gì cho việc sáng tác?

- Tôi chủ yếu đọc sách văn học trong nước và các tác phẩm văn học dịch nước ngoài của những tác giả nổi tiếng. Bên cạnh đó, một số sách khác mà tôi quan tâm là về tôn giáo, văn hóa và vật lý lý thuyết. Ở những cuốn sách đó, tôi thấy được một không gian, nơi trí tưởng tượng của con người khiến tôi choáng ngợp.

Là giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, việc đọc sách, bản thảo là công việc diễn ra mỗi ngày. Bất kỳ tác phẩm nào tôi đọc đều mang đến cho bản thân vẻ đẹp từ một thi pháp nào đó mới mẻ.

Sự tương tác giữa nhà văn với nhà văn rất quan trọng. Người ta có thể gặp nhau, đối thoại trực tiếp; hoặc cách tương tác thứ hai là đọc tác phẩm của nhau.

Mỗi nhà văn có rất nhiều cuốn sách, nhưng đôi khi nó bị vùi sâu, và chỉ đến khi đọc cuốn sách của người khác, cánh cửa trong tâm hồn nhà văn ấy mới mở ra, ý tưởng ngay lập tức sẽ được khai phá.

Tôi đọc tác phẩm của người khác để tìm ra tác phẩm bên trong chính mình. Bởi vậy, giữa những người cầm bút, sự tương tác qua sách rất cần thiết.

* Ông luôn tâm niệm với câu nói “Mất một mùa chữ, mất chín mùa người”. Sách có vai trò ra sao trong việc “tạo nên mùa người”?

- Tôi cho rằng nhân loại có hai nguồn dinh dưỡng rất quan trọng, đó là lương thực và tri thức (hay nói cách khác là sách). Người làng Chùa tôi có câu: “Không có ăn thì không thể bước đi, không có chữ thì không thể thấy đường”.

Tuổi thơ tôi có sách làm bạn. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhà tôi được sắp xếp để làm nơi sơ tán cho một gia đình nhà giáo. Họ về và mang theo sách. Cuốn đầu tiên tôi đọc là mượn từ gia đình đó. Đó là cuốn Ruồi trâu - tiểu thuyết kinh điển trên thế giới.

Khi ấy, tôi chỉ là một cậu bé, chạm vào sách như thể được va vào một thế giới mới, nơi ấy có tôn giáo, cách mạng, văn hóa và tình yêu. Cậu bé nhà quê như tôi đã nhìn thấy ở đó thứ ánh sáng kỳ diệu.

Từ cuốn sách đầu tiên đó, ý thức đọc sách và tìm hiểu về thế giới lớn dần trong tôi, thôi thúc thôi bước đi để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Sau đó, tôi đi học ở Hà Nội, rồi sang Cuba, mỗi ngày tôi lại học được nhiều điều hơn. Có thể nói, sách đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Theo ông Nguyễn Quang Thiều, đọc sách là cách để các nhà văn tương tác với nhau.

Cần thực hiện song song chuyển đổi số và xuất bản truyền thống

* Theo ông, khi tiến hành chuyển đổi số trong xuất bản, ebook và audio book có làm văn hóa đọc sách, báo giấy mai một?

- Đúng là báo giấy đang dần mai một. Nhưng ta phải hiểu báo chí mang tính tin tức, mà tiếp cận tin tức thì vấn đề tốc độ luôn được coi trọng. Vì thế, báo mạng là nhu cầu tất yếu của con người, chạy nhanh hơn báo giấy để kịp thời đưa tin đến người đọc.

Với tôi, việc đọc nên chia làm hai loại: Đọc để tiếp cận thông tin và đọc để hưởng thụ. Để hưởng thụ trọn vẹn tinh thần một tác phẩm văn học nghệ thuật sâu sắc, tôi nghĩ ebook hay audio book không thể thay thế được.

Ở Mỹ, Pháp hay các nước phương Tây phát triển khác, công nghệ mạng của họ phát triển hơn chúng ta rất nhiều, nhưng không bởi thế mà họ bớt đọc sách giấy. Các tờ báo lớn như New York Times hay Washington Post có thể thay đổi liên tục, nhưng các nhà xuất bản lớn vẫn thế, hội chợ sách quốc tế vẫn thế, việc đọc sách trên tàu xe, nơi công sở vẫn không bị mai một.

Bởi vậy, tôi cho rằng sách giấy không bao giờ bị triệt tiêu. Hơn nữa, nhu cầu sưu tầm sách mỗi ngày một tăng. Sách được coi như một di sản, có những cuốn được bán với giá 100-200 triệu đồng. Điều đó chứng tỏ sách luôn tồn tại và giữ được giá trị lâu bền.

* Ông có tưởng tượng đến một ngày, khi các tác phẩm văn chương không còn được đọc bằng mắt nữa mà được “đọc bằng tai”, giá trị của chúng sẽ ra sao?

- Nhà xuất bản Hội Nhà văn đang tiến hành các bước số hóa trong hoạt động xuất bản. Việc này hướng tới hai mục tiêu: Lưu giữ sách một cách có hệ thống và tiếp cận nhiều độc giả hơn.

Có những người không có khả năng đọc một cuốn sách giấy do thị giác kém, thì audio book là sự lựa chọn hoàn hảo đối với họ. Công nghệ số còn giúp ích cho việc quảng bá sách. Người ta đọc được một lời giới thiệu sách ở trên mạng, cảm thấy thích và sẽ muốn mua sách về đọc.

Tôi cho rằng chuyển đổi số và giữ lối xuất bản truyền thống là hai việc cần thực hiện song song. Chuyển đổi số không có nghĩa là triệt tiêu sách giấy.

Tôi cũng như nhiều người, vẫn thích cảm giác được chạm vào trang sách, nghe nó phát ra tiếng kêu sột soạt, ngửi được mùi mực in và đọc những con chữ bằng đôi mắt của mình. Tất cả cộng lại, cho chúng ta một không gian trọn vẹn để hưởng thụ trang sách.

Ở những nơi theo tôn giáo, tôi tin rằng người ta sẽ luôn đọc kinh bằng cuốn kinh giấy, chứ không ai lại đi gắn tai nghe vào bản kinh đó cả.

Tôi chưa hình dung đến việc những tác phẩm văn học nghệ thuật đến một ngày nào đó sẽ chỉ còn được “đọc bằng tai”, nhưng tôi tin rằng mỗi cách tiếp cận sẽ mang lại một giá trị khác nhau. Có thể trong một không gian yên tĩnh trên bàn, tôi chọn đọc một cuốn sách giấy. Nhưng khi đang lái xe trên đường, thì tôi chắc chắn sẽ chọn audio book.

Cách thức tiếp cận sách sẽ thay đổi, nhưng theo hướng tích cực, nó tạo nên sự đa dạng cho người đọc, khiến văn hóa đọc lan rộng hơn.

Theo Zing News

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: