Giỏ hàng của bạn trống!

Nguyễn Phương Dung – Nhớ thương một chút gửi đời

16/05/2023

Văn chương của Nguyễn Phương Dung là cái tâm tình mộc mạc, giản dị của người đàn bà trải lên từng câu chữ. Trong những trang văn tưởng chừng rất riêng lại bắt gặp những câu chuyện, những tâm sự, những buồn vui bé mọn rất đàn bà. Tính nữ như sợi dây mềm mại cứ níu người đọc vào những trang viết mênh mang tình người, tình đời…

Nhà văn Nguyễn Phương Dung

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phương Dung sinh năm 1958, quê quán Tam Kỳ, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam và Hội Nhà văn TP.HCM. Các tác phẩm đã xuất bản: Vừng ơi (tập thơ 2003), Phía tàn tro (tập thơ NXB Đà Nẵng 2011), Nguyễn Phương Dung và các truyện ngắn (truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn 2019), Gửi thương cho nhớ (thơ, NXB Hội Nhà văn 2022).  Nguyễn Phương Dung hiện sinh sống tại TP.HCM.

Không buông bút dẫu khó khăn vô ngần

Nhà văn Nguyễn Phương Dung là người đi ngang và chứng kiến nhiều biến động, đổi thay của thời cuộc. Từ nhỏ cho đến hết chiến tranh, Nguyễn Phương Dung cắp sách đến trường, sau đó học Sư phạm tại Quy Nhơn. Ra trường, Nguyễn Phương Dung trở thành giáo viên dạy toán cấp hai tại quê nhà Quảng Nam cho đến khi nghỉ hưu.

Nhà văn tâm sự mình đến với văn chương từ rất sớm, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ba mẹ là giáo viên, có một kho sách đồ sộ để nhà văn đọc và chìm đắm trong thế giới văn chương nhiều màu sắc. Cô giáo Nguyễn Phương Dung ngày lên bục giảng, đêm lại về miệt mài viết văn, làm thơ.

Nguyễn Phương Dung kể rằng công việc dạy học những ngày tháng ấy vô cùng vất vả và khó khăn. Có những thời khắc khó khăn đến mức ngồi khóc trên bục giảng, thiếu thốn trăm bề, gánh nặng áo cơm oằn vai thế nhưng nhà văn vẫn không hề bỏ bút. Gia đình tan vỡ khi còn rất trẻ, cô giáo phải mang con khi đó mới tròn 15 tháng vào trường nội trú. Những lúc mẹ dạy học, con phải bò chơi một mình ngoài hàng lang vắng. Đêm về, sau khi xong giáo án lại dành thời gian cho văn chương. Bao nhiêu chuyện vui buồn, chuyện đời, chuyện nghề cô trút lòng mình vào những trang viết. Đọc văn Nguyễn Phương Dung điều dễ nhận thấy cái đẹp nội tâm thể hiện qua câu chữ. Nhà văn tâm sự, dẫu viết về chủ đề gì thì những trang văn phải hướng thiện và người cầm bút phải dần dần hoàn thiện mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nguyễn Phương Dung viết văn từ sớm, đã ra 3 tập thơ và 1 tập truyện ngắn, có nhiều tác phẩm in trên các tạp chí, các báo trung ương và địa phương. Thế nhưng mỗi khi nhắc về mình, Nguyễn Phương Dung vẫn vô cùng khiêm tốn. Nhà văn tự nhận mình là “người già” của thế kỷ 21 này, thấy so với thế hệ trẻ bây giờ ngòi bút của mình còn nhiều hạn chế. Hằng ngày bên bàn viết với chồng sách thật cao, nhà văn vẫn cần mẫn đọc, viết lách và học hỏi nhiều cái mới. Nguyễn Phương Dung tâm sự rằng mình yêu văn chương đến tận cùng gan ruột. Viết văn không phải để kiếm sống mà để trải lòng, để giãi bày những tâm sự mà nếu không trút vào những trang văn thì có lẽ chẳng còn biết trải lòng vào đâu nữa.

Những kỉ niệm về một thời cầm phấn hằn sâu vào trang viết 

Trong cuộc đời cầm phấn, Nguyễn Phương Dung gặp biết bao chuyện vui buồn, tréo ngoe. Nguyễn Phương Dung dạy học tại ở trường Tam Dân 1, Phú Ninh trong những năm 1977 – 1985. Thuở “bao cấp” trường nghèo, cô nghèo và trò cũng nghèo nốt, khó khăn thiếu thốn nghĩ lại vẫn “nổi da gà”. Biết những người thầy của mình rất khó khăn để duy trì việc dạy, học trò có bận ôm đến trường nào là sắn, là khoai, là nhúm gạo, bó rau… để thầy cô có cái lót lòng đứng lớp. Có nhà học trò mua được gói mì chính (thuở ấy mua một gói mì chính vô cùng khó) liền bốc một nhúm gói trong giấy học trò mang đến lớp biếu cô… Lớp học nhiều lứa tuổi, có khi học trò còn lớn hơn cả tuổi cô giáo.  Những tháng ngày cơ cực trải qua cùng nhau hằn sâu vào tâm trí, để sau này rời xa vùng đất Phú Ninh cô trò vẫn cứ thân thiết như ruột thịt đến tận bây giờ.

Sau khi rời Phú Ninh, Nguyễn Phương Dung về dạy học ở Tam Kỳ nhưng cái khó khăn vẫn còn đeo đuổi. Thế nhưng tình đồng nghiệp sâu nặng, tình học trò thảo thơm, sự động viên của phụ huynh và nhìn những ánh mắt khao khát sự học đã khiến người phụ nữ bé nhỏ ấy trụ lại với nghề bảng đen phấn trắng cho đến lúc nghỉ hưu.

Một thuở khó khăn nhưng nặng ân tình như thế cứ ăm ắp, cứ chảy tràn trên từng câu chữ của Nguyễn Phương Dung. Nghề giáo chính là tư liệu dồi dào để nhà văn đưa vào trang viết chân thật và giản dị của mình. Không gian trường lớp, những câu chuyện vui buồn thầy trò, sự suy vấn về “nghề đưa đò” vẫn là sợi dây xuyên suốt từ buổi đầu sáng tác đến tận bây giờ. Đó là cô giáo trường làng lấy nguyên mẫu từ chính người mẹ của mình trong truyện ngắn Người thầy đầu tiên; là cô giáo Thư trong truyện ngắn Bay qua bão phải sống trong những khinh rẻ về “cái nghề chết đói” ở nhà chồng… Cả một đời cầm phấn, bao nhiêu kỉ niệm, đến lúc về hưu lại gấp gãy bao nhiêu cảm xúc trong truyện ngắn Bóng chiều. Để rồi, mỗi độ tháng 9, trống trường gióng giã cho năm học mới, lòng cô giáo lại nao nao với bao nhiêu là hồi ức trong truyện ngắn “Hằng năm cứ vào cuối thu…”.

Nỗi nhớ nhung trường cũ, bạn cũ, nhớ bóng dáng những người thầy lặng lẽ đưa đò cứ cộm lên xốn xang trong những truyện ngắn như Chuyện tụi hắn, biết thuở nào nguôi… Nỗi nhớ không giấu giếm mà cứ thao thiết như một chiều về thăm trường cũ mà bóng dáng ngày xưa không còn nữa. Con trở về không đúng mùa hoa vàng/ Không gặp được những gì con cần gặp/ Con chỉ thấy câu thơ thầy để lại/ Trước khi thầy đi xa…(Dỗ những giấc buồn)

Rời quê hương Quảng Nam vào Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Phương Dung vẫn tiếp tục tìm niềm vui bên bảng đen phấn trắng bởi không đi dạy thì buồn lắm. Sống gần cả đời người ở quê hương, ở tuổi xế chiều ly hương vào phố nên không khỏi có cảm giác chênh chao giữa phố phường xa lạ mà mình như ngược đường bay: Chiều cuối năm trời phương Nam đầy nắng/ Ta biết bây chừ cố xứ mưa bay/ Rót xuống dòng sông nửa ly rượu đắng/ Uống giùm ta, cạn nỗi nhớ quê nhà…( Uống rượu chiều phương nam).

Tính nữ và cảm thức dở dang  

Nguyễn Phương Dung đi qua bao nhiêu đắng đót, thấm bao nhiêu nỗi buồn của người phụ nữ chưa tròn hạnh phúc. Con người ngoài đời và con người văn chương của Nguyễn Phương Dung nhiều phần giống nhau. Cô hay cười, hay rong chơi nơi này nơi kia nhưng ẩn sâu trong đôi mắt ấy là người nhiều tâm sự và suy tư. Gia đình tan vỡ khi cô còn rất trẻ, một mình nuôi con và  gác lại hạnh phúc riêng tư để dành hết tình thương cho con nên truyện ngắn Nguyễn Phương Dung viết nhiều về thân phận của người phụ nữ với cảm thức dở dang, nuối tiếc..

Cuộc đời những người phụ nữ buồn như chiếc ghe lắc lẻo trong đêm tối đưa mẹ con Đỗ theo người đàn ông lạ ngược dòng tìm chồng trong truyện ngắn Nắng lên. Tìm không thấy nhưng lại nhận tin chồng chết, người đàn bà đành gá cuộc đời mình trong khoan ghe chật chội cho người đàn ông khác như một cách trả ơn. Đứa con bỏ nhà ra đi, cũng lo âu, cũng chông chênh trước lựa chọn cho hạnh phúc đời mình khi người yêu cũng có một đứa con riêng.

Hay như trong truyện ngắn Sinh nhật nàng, người đàn bà dang dở chưa bao giờ hết yêu và khao khát tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng rồi, những bó hồng được tặng cứ lần lữa để rồi quyết định cuối cùng là sống cho hạnh phúc to lớn đời mình là con cái.

Cái hay trong truyện ngắn Nguyễn Phương Dung không nằm ở cốt truyện lắt léo hay cầu kì câu chữ, không lên gân, cũng chẳng triết lí dài dòng mà ở tính nữ mềm mại, chất tự sự dễ đi vào lòng người. Gấp lại cuốn sách, đọng lại trong lòng người đọc một chữ thương. Những người đàn bà với phận đời nhỏ bé nhưng lúc nào cũng chênh chao, cũng dang dở, cũng mang trong lòng nhiều ẩn ức sâu kín. Họ vịn lấy tình yêu, tình người để đi qua những khúc quanh đắng chát của cuộc đời.

Dẫu có buồn, có gập gềnh, có khổ đau thế nhưng màu sắc trong truyện vẫn không hề bi lụy. Ví như trong Quá giang một khúc sông đời – truyện ngắn được Tạp chí Đất Quảng tặng thưởng tác phẩm chất lượng cao năm 2022, cô gái nhỏ tên Hoài giữa đêm khuya mịt mùng nghe tin mẹ bệnh đã ra đường xin quá giang về thị xã. Giữa xe heo hôi hám, chật chội, giữa hai người đàn ông xa lạ vẫn ngời lên sự ấm áp tình người. Rồi cuộc đời biến cố, cuộc quá giang chuyến xe ngắn ngủi nhưng tình người thì vẫn cứ ở lại cả cuộc đời. Và với truyện nào cũng vậy, Nguyễn Phương Dung lúc nào cũng để cho nhân vật của mình níu một chữ tình để đứng dậy, để tin vào ngày mai.

Văn chương của Nguyễn Phương Dung là cái tâm tình mộc mạc, giản dị của người đàn bà trải lên từng câu chữ. Trong những trang văn tưởng chừng rất riêng lại bắt gặp những câu chuyện, những tâm sự, những buồn vui bé mọn rất đàn bà. Tính nữ như sợi dây mềm mại cứ níu người đọc vào những trang viết mênh mang tình người, tình đời.

NHƯ HIỀN
theo Văn Học Sài Gòn

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: