Dành cả đời nghiên cứu văn hóa dân tộc, Nông Viết Toại có nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Tày.
Việt Bắc – vùng đất giàu truyền thống cách mạng – cũng là nơi sinh ra nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ ưu tú. Và một trong những gương mặt tiêu biểu là nhà văn, nhà thơ người dân tộc Tày Nông Viết Toại.
Dành cả đời nghiên cứu văn hóa dân tộc, Nông Viết Toại có nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.
Nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại tên khai sinh là Nông Đình Hân, sinh năm 1926 tại Nà Cọt, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ở tuổi 94, ông được xem là một trong những “Trưởng lão” của văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Căn nhà cấp 4 nhỏ ở ngoại ô thành phố Bắc Kạn của nhà văn Nông Viết Toại dường như chỉ dành chỗ cho những giá gỗ chất đầy sách – những đứa con tinh thần của ông trong suốt cuộc đời nghiên cứu và cầm bút.
Dù đã ở tuổi 94 nhưng Nhà văn Nông Viết Toại miệt mài nghiên cứu văn hóa dân tộc Tày. Ảnh: VOV.
Nói về cơ duyên của mình đối với văn học nghệ thuật, ông bộc bạch: “Năm 1963, đi học lớp do Hội nhà văn mở đầu tiên thì trong tủ sách có cuốn truyện của Guy de Maupassan dịch của Pháp, tôi đọc vào thì thấy là mình cũng có thể ghi được, mà kể bằng tiếng mẹ đẻ của mình dễ dàng hơn.
Thứ hai, quá trình công tác ở Đoàn văn công với lại cộng tác ở Đài phát thanh khu tự trị, tờ Tạp chí văn nghệ Việt Bắc cũng lôi cuốn mình vào trong ngôn ngữ dân tộc, thành ra cái đó cũng là nguyên nhân, gợi ý cho mình viết…”.
Nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại đã có rất nhiều tác phẩm văn, thơ đặc sắc viết về quê hương, đất nước, về con người “Việt Bắc Boong hây” (Việt Bắc chúng ta).
Riêng về thơ, có thể kể đến 4 tập thơ tiêu biểu gồm: Rại róa vít pay (Bài trừ hủ tục, XB 1956), Kin ngày phuối khát (Ăn ngay, nói thẳng, XB 1962), Đét chang nâư (Nắng trưa, XB 1976), Ngoảc đếnh (Nhìn lại, XB 2006).
Những bài thơ sáng tác trong thời gian đầu của Nông Viết Toại mang hơi hướng thơ của Hoàng Đức Hậu – người được coi là “ông hoàng” thơ nôm Tày, cũng là người thầy dạy chữ và dạy cách làm thơ cho chàng trai Nông Viết Toại.
Về sau, thơ Nông Viết Toại có sự thay đổi dần về hình thức, đến với cách thể hiện mới để thơ theo kịp với sự phát triển của thời đại. Các bài Bâư toong van tải hả, Bại bâư tranh, Kha tàng mừa Thái, Đồng hồ, Lẩn toẹn tức Mỵ, Pjá nỉ… cho thấy rõ điều đó.
Ông còn là tác giả đặt lời Tày với ngôn từ rất đẹp cho nhiều ca khúc như “Mà thâng Phya Byóc” trên nền nhạc bài hát “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận hay đặt lời cho điệu dân ca “Lập Xuân” được yêu thích và lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Bắc.
Năm 2019, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức Hội thảo về Nhà văn Nông Viết Toại. Ảnh: VOV.
Nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại cũng sáng tác khá nhiều bài thơ bằng tiếng Tày phỏng theo các làn điệu then vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, được phổ nhạc và trở thành những tiết mục chính của Đoàn văn công khu tự trị Việt Bắc lưu diễn trong nhiều năm.
“Người ta có người nói bảo thôi, cái anh Tày của mình có lẽ độ trăm năm nữa thành người Kinh mất, tôi thì lại nghĩ khác, có lẽ trăm năm nữa nó cũng không phải giống anh Kinh, anh Tày thì cũng không hẳn như thế, tức là thứ nó pha trộn, đồng thời nó cũng có mặt phát triển của nó”, nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại chia sẻ.
Về mảng văn xuôi, Nông Viết Toại cũng có nhiều thành tựu được ghi nhận. Ông cùng với nhà văn Nông Minh Châu được coi là 2 người đầu tiên viết tiểu thuyết bằng Tiếng Tày.
Nông Minh Châu viết: “Cưa khẩn đông” (Muối lên rừng) ở trại viết Quảng Bá năm 1957 thì Nông Viết Toại viết “Boỏng tàng tập éo” (Đoạn đường ngoặt) cũng trong thời gian đó.
Đây là tác phẩm văn xuôi trữ tình mà chất dân tộc được miêu tả, dựng lên thật đặc sắc, từ lời ăn tiếng nói, lối nghĩ, cách ứng xử. Đọc “Boỏng tàng tập éo” thấy hiển hiện một bản Tày, một vùng Tày trong thời kỳ đầu cách mạng qua cách dựng nhiều hình ảnh, nhiều sắc độ và nhiều xúc cảm của một cây bút văn xuôi dồi dào năng lực.
Sau này Nông Viết Toại còn viết nhiều truyện bằng tiếng Tày như Hăn Phi, Cái pửt, Ngần muộc, Chài vệ quốc đoàn, Tổng Khỏa – Kim Quế…trong số đó truyện ngắn Hắt (Sạn) được mọi người đánh giá cao và cũng từ đây người ta chuyển sang gọi ông là nhà văn Nông Viết Toại.
Là người luôn mến mộ và khâm phục tài năng và sự đóng góp của nhà văn, nhà thơ Nông Viết Toại, ông Dương Khâu Luông – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn nói:
“Nhà văn Nông Viết Toại đã có cống hiến, đóng góp rất lớn cho văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, ông là tấm gương cho thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ sau này noi theo.
Bởi ông là nhà văn luôn cần mẫn, đam mê, trách nhiệm trong lao động nghệ thuật, luôn khiêm tốn, giản dị. Đến hôm nay dù đã cao tuổi nhưng vẫn đam mê với sự nghiệp cầm bút của mình.”
Nhà văn Nông Viết Toại phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VOV.
Ngoài thơ, văn, truyện ngắn, ông cũng dày công nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số. Ông đã lặn lội sưu tầm các làn điệu dân ca, các câu truyện cổ, các câu thành ngữ, tục ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Tày.
Khi tuổi đã cao, ông vẫn miệt mài biên soạn cuốn từ điển Tày – Việt, để lại cho thế hệ sau này một kho tàng vô giá.
Với những đóng góp to lớn của mình, năm 2019, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại” nhằm tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của ông trên cả hai phương diện là sự nghiệp cách mạng và sáng tác văn học, nghệ thuật…. cần được gìn giữ, phát huy.
Theo Zing.