Giỏ hàng của bạn trống!

Những Cánh Buồm Nâu

Tác giả: Châu La Việt
Tình trạng: Còn trong kho
Liên hệ

Nhà xuất bản: Phụ Nữ
Năm xuất bản: 2021

ISBN: 9786043290394

 

Châu La Việt đến với văn học nghệ thuật từ những năm tháng tuổi trẻ của “thời hoa đỏ”. Hoàn cảnh sống, những nghệ sĩ tên tuổi anh may mắn được quen biết từ sớm và cả sau này cho anh hiểu rất rõ, rồi yêu đến mê mệt cái gian nan cực nhọc, thậm chí cái giang hồ vất vưởng và cái sang trọng, long lanh, kiêu sa khó bì, hai cực dường như rất đối lập của nghề văn.

Anh tâm sự: “Quả với tôi, văn chương đàn hát … thực sự là thiên đường. Tôi chẳng thiết gì khác ngoài nó. Khổ đau cùng cực hay ăn đói mặc rách vì nó cũng chẳng sá gì!”. Càng may mắn hơn, anh thuộc “con nhà tông” của nghệ thuật.

Mẹ anh - nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân, giọng nữ cao vừa mộc vừa quý phái đến thánh thiện của Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương và Nhà hát Giao hưởng hợp xướng Việt Nam, người luôn hóa thân theo lời hát, một thời hát hay nhất về nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước trong cái buồn, cái đẹp, nỗi nhớ, niềm thương trước mênh mông biển trời sóng xô và cách vời (Xa khơi, Ru con Nam Bộ, Câu hò bên bờ Hiền Lương). Giọng hát của bà là cuộc đời, số phận, nước mắt của đất nước, nhân dân và của chính bà.

Cha anh, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - tác giả của nhiều ca khúc tình yêu, tình quê hương đất nước mà bất kì ca sĩ nổi danh nào của Sài Gòn trước năm 1975, như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Hương Lan… cũng chọn để hát.

Phạm Duy ví ông như “Ông Hoàng của âm nhạc, thơ ca”. Cuộc đời và sáng tác của ông cũng lắm thác ghềnh và luôn là độc bản “Hỏi vì sao con thuyền ra đi bỏ bến? Hỏi vì sao thế giới đông người nhưng chỉ thấy riêng ta?... Hỏi tại sao thế giới đông người anh chỉ thấy riêng em?”.

Nghĩa phụ, cha dượng của anh, nhà báo Lê Khánh Căn, từng phụ trách Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng, Trưởng Ban Bạn đọc báo Nhân dân. Ông góp phần quan trọng cho sự xuất hiện của bài thơ nổi tiếng “Gửi lời chào lớp Một”, nhiều năm có mặt trong sách giáo khoa Tiếng Việt, được nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh yêu thích. (Lê Khánh Căn đã dịch từ tiếng Pháp truyện “Marutxia đi học” của nhà văn Nga Evgeny Shvarts (Nxb Kim Đồng, năm 1959), trong đó có bài thơ này. Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một cần trả lại sự công bằng cho tác giả và người dịch). Chính cái “gien” và môi trường nghệ thuật gia đình đã càng khiến Châu La Việt đắm đuối với nghề.

Châu La Việt là người lính, nhà văn giàu bút lực. Anh viết kịch, văn xuôi, làm thơ, lĩnh vực nào cũng xông xáo và gặt hái được thành công. Kịch của anh đã được một số đoàn nghệ thuật nổi tiếng dàn dựng và truyền trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam Việt nam (Người mẹ Trường Sơn, Tình em trao anh, Mạch ngầm).

Nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết của anh có tiếng vang: Những tầng cây săng lẻ, Ký sự miền Nam, Một buổi sáng nhiều chim, Chim vẫn hót cúc cu bên đồi, Lửa sáng phía chân trời…

Đó là những trang viết đậm chất lính, cái chất lính một cực thì rất dũng cảm, gan lì, chẳng nề gian khó, tả tơi trải qua những thử thách lửa đạn khốc liệt, chứng kiến tận mắt nhiều hi sinh mất mát của đồng đội, cực khác lại rất hào hoa, thậm tinh nghịch, thậm đa tình.

Tôi và nhiều bạn đọc rất thích những trang anh viết về chân dung các nghệ sĩ như Tân Nhân, Nguyễn Tài Tuệ, Trần Hiếu, Trung Kiên, Lê Dung, Ngọc Tân, Quang Lý, Trần Tiến, Tất Bình, Tân Nhàn, Anh Thơ, Trọng Tấn, Quang Lý, Trương Nhuận, Trần Bình v.v… (Tân Nhân & Xa khơi, Nỗi nhớ mùa đông, Vầng mây trắng vẫn bay về, Tạm biệt chim én xưa). Có lẽ anh là một trong những người viết hay, cảm động nhất về họ. Chân dung nào cũng độc đáo, xúc động.

Ở “Những cánh buồm nâu”, sau mỗi chân dung là một thế hệ nghệ sĩ, một lớp người với những cảnh, nỗi niềm đặc biệt; là thân phận, khổ ải và vinh quang, gục ngã và đứng đậy, những đam mê, cô đơn, hạnh phúc đủ lớn để thành hình.

Ngồn ngộn chi tiết đắt giá, bụi bặm và lộng lẫy lung linh, vất vưởng và sang trọng. Ào ạt và ăm ắp những cảm xúc thăng hoa. Lóe sáng và bùng nổ. Cả về tư tưởng và nghệ thuật. Nghèn nghẹn nước mắt. Chan chứa tình người. Tất cả đều là phần xương thịt, phần hồn, đạo nghĩa, tình nghĩa cụ thể của đất nước này, nhân dân này.

Với “Những cánh buồm nâu”, Châu La Việt đã có những trang viết, như nhà văn Đỗ Chu từng dặn anh: “Hãy viết như mẹ anh từng đã hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng và thương nhớ cũng tột cùng”.

0

0 đánh giá

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.