Giỏ hàng của bạn trống!

Mùa xuân và tuổi xuân

Tác giả: Trịnh Bửu Hoài
Tình trạng: Còn trong kho
68,000đ

Nhà xuất bản: Đà Nẵng
Năm xuất bản: Quí II-2021

Số trang: 94

Kích cỡ: 13.5 x 20.5

ISBN: 9786048459130

MÙA XUÂN VÀ TUỔI XUÂN - THÁNG NĂM MỎNG MANH, ĐỜI NGƯỜI VĨNH CỬU

 (Đọc tập tùy bút Mùa xuân và tuổi xuân của Trịnh Bửu Hoài, Nxb Đà Nẵng 2021)

Từng có người nói rằng:

“Mùa xuân không phải thời gian, mà là nội tâm

Sinh mệnh không phải thể xác, mà là tâm tính

Già nua không phải tuổi tác, mà là cõi lòng

Đời người không phải năm tháng, mà là vĩnh hằng”.

          Người ta vẫn thường bảo mùa xuân của trời đất thì vĩnh hằng còn mùa xuân của đời người lại hữu hạn, một đi không trở lại. Nhưng hình như, mùa xuân của tháng năm chẳng vĩnh hằng đến vậy. Và mùa xuân của đời người cũng chẳng phôi phai cho lắm. Mùa xuân của đời ta lưu giữ trong mùa xuân của năm tháng, và mùa xuân của tháng năm tô điểm cho mùa xuân của đời người thêm rực rỡ. Người ta tìm kiếm tuổi xuân của mình trong ký ức và hoài niệm, còn tôi tìm kiếm tuổi xuân qua một chút hương quê, qua chút dòng lưu bút “Mùa xuân và tuổi xuân” của nhà văn Trịnh Bửu Hoài.

          Trịnh Bửu Hoài là người con của đất An Giang, là nhà thơ của những mùa trăng mộng mơ, là nhà văn của những cánh đồng thơm mùi sữa, là một người của đất, của quê. Văn Trịnh Bửu Hoài chân chất, bình dị, mượt mà nên thơ, nhẹ thổi lớp bụi mờ quá khứ, giúp người đọc quay về miền kí ức xa xăm bên bếp lửa, bên buổi chiều quê ngồi thổi bánh, bên giờ giao thừa háo hức đợi trông…

Chuyện ngày đông

          Chuyện ngày đông bắt đầu bằng chuyện thời tiết, ngọn gió bấc ùa về đọng trên từng phiến lá, cắt lên da thịt con người. “Bầu trời xám xịt. Mặt trời hình như cũng lạnh, quấn mây ngủ miết”. Đọc mà tôi mường tượng mặt trời như một đức trẻ nghịch ngợm, tự cho mình cái quyền “lười biếng, trốn việc” mấy hôm. Còn cái giá rét của mùa đông cứ như một gã khổng lồ nhanh nhảu, ùa đến thật nhanh, tóm lấy vạn vật, tóm gọn những dòng sông, những cánh đồng sương sớm. Những lúc ấy, chiếm áo ấm lại được “trọng dụng”. Chúng đã ngủ vùi bấy lâu, mới mẻ, tinh khôi như thuở mới mua về. Vận trên mình chiếc áo ấm, cạnh đóm lửa, nướng thêm mấy chiếc bánh phồng nếp dòn dòn, ngọt ngọt, phao phao thì chao ôi, mùa đông năm ấy ấm áp biết bao. Mùi thơm của bánh “mộc mạc như rơm như cỏ nhưng sao cứ quấn quít vào tuổi thơ của mỗi người một nỗi nhớ, một niềm yêu kì diệu”.

          Mùa đông trong kí ức của tác giả không chỉ có những tháng ngày nên thơ, ấm áp, mà còn có những mảnh đời quạnh hiu, gồng mình trong cái rét để mưu sinh. Có những đứa trẻ phải trầm mình trong dòng nước cắt da để mò cua bắt ốc với đôi môi tái mét. “Ngoài đồng, người ta hì hục cắt lúa, đập lúa trong màn sương mờ mịt, có khi trong cơn mưa phùn rắc nhẹ nhưng gió lạnh buốt da”. Hình như, tuổi thơ tôi cũng từng chứng kiến những cái rét giá buốt như vậy, cũng từng trải nghiệm những mùa đông căm căm trên con đường rảo bước. Những ngọn bấc theo những mùa trăng thấm tháp qua đời, nhường chỗ lại cho những tia nắng mùa xuân. Mùa bấc giờ cũng chẳng còn rõ rệt, chỉ thoáng mưa thoáng nắng, thoáng ấm thoáng lạnh. “Nhưng mùi bấc sẽ lặn vào tâm hồn tôi, nuôi tôi trẻ mãi với những khúc hát êm đềm của một thời tuổi nhỏ và hoa niên…”.

Khoảnh khắc ngày xuân

          Nàng xuân đang đến rất gần, “như mọi năm mà chẳng giống mỗi năm”. Biến đổi khí hậu đã làm biến động tất cả, chàng Đông không đủ sức để ôm ấp những ô nhiễm của thế gian. Và rồi nàng Xuân đến “không còn một chút lạnh cho má xuân hồng, không còn một chút sương cho bờ môi thắm, không còn một chút ướt mềm cho mắt long lanh và không còn một chút gió thầm cho dáng mộng thướt tha”. “Con người đang đốt lửa từ trong lòng mình cho đến mặt đất”, trái đất nóng lên và chàng Đông, nàng Xuân cũng phai tàn. Hạ thêm gay gắt, Thu vẫn thay lá, Đông vẫn đi và Xuân vẫn đến, mọi thứ vẫn tuần hoàn theo một cách rất riêng, nhưng ngày xuân của tuổi thơ thì trôi theo vĩnh cửu, trôi miên man trong dòng ký ức…

          Ngày xưa ấy, chợ đời bận rộn hơn vào dịp giáp Tết. Ngày xưa ấy, “người ta khẩn trương thu dọn việc đồng áng để đón Tết. Tuổi thơ nôn nao với những ngày học cuối năm và mơ ước được mặc bộ đồ mới đang máng trên vách nhà. Mẹ và các chị loay hoay với những thau quần áo, mền mùng, được giặt phơi dưới cái nắng nhàn nhạt của mùa đông. Cả xóm rộn ràng, nhà nào cũng chuẩn bị tươm tất, trang hoàng thật đẹp cho những ngày Tết. Chiếc cầu bến sông không dứt người gánh nước, cả ngày lẫn đêm. Tiệm quán đầy ắp bánh mứt, nước ngọt, pháo rượu, bông hoa, liễn đối, tranh tứ bình trên giấy… Ngôi chợ đầu làng nhộn nhịp người mua kẻ bán với hoa tươi, dưa hấu, trái cây, thịt cá… và những vật dụng cần thiết trong nhà được bày bán nhiều hơn hẳn mọi ngày”. Trẻ con vui với quần áo mới, bánh kẹo và bao tiền lì xì. Người lớn vui với gia đình đoàn tụ, đi thăm viếng ông bà cha mẹ và họ hàng, lễ bái những người đã khuất. Ngày xưa ấy, một năm mới mở đầu bằng những ngày rảnh rang thật sự từ thân xác đến tâm hồn. Nhớ lắm, ngày xuân thuở ấy, ngày xuân vui vầy bên ông bà, cùng anh chị thức canh lửa nồi bánh tét, lăng xăng chụm củi, thêm nước, tranh thủ kể câu chuyện ma, đốt thêm cây pháo bông cầm tay, hò la inh ỏi. Năm nào, cũng í ới nhau thức đến giao thừa nhưng chẳng biết gục từ giờ nào.

          Sáng mùng một, trên chiếc xe cà tàng, băng băng trên con đường đất gồ ghề, người ta rủ nhau đi thăm họ hàng hai bên. “Cây có cội nước có nguồn, làm người phải biết nhớ đến ông bà vào ngày đầu năm mới, sau đó mới lo cho những cuộc vui riêng của bản thân mình… Lớp nhỏ tấn lên thì lớp lớn phải lần lượt ra đi. Có tới viếng họ hàng trong ngày mùng một ta mới cảm nhận được ân tình và sự giao thoa thế hệ”.

          Sang xuân mươi độ, người ta ngây ngẩn với vầng thái dương sáng nhất năm. Tôi vẫn thích những mùa trăng bàng bạc, ánh trăng soi tròn như gương mặt trữ tình của người thiếu nữ. Mùa trăng đêm tháng giêng đặc biệt thơ mộng. Nàng vừa tròn tuổi xuân, đang về khoe dáng thướt tha, ánh mắt đậm đà, nụ cười hoa mộng, mái tóc liêu trai… Tháng giêng là giọt tinh túy của mùa xuân. Mùa xuân là hạt tinh hoa của một năm. Trăng tháng giêng lại là nhụy của hương hoa, là tình của đêm thơ và nhạc để những thi nhân ngọt ngào cất lời ngâm nga. Tôi vẫn thường hay gọi mùa trăng tháng giêng là “tình nước duyên trăng”.

Tháng năm tĩnh lặng, kiếp này bình an

            Tháng năm vô tình mà tháng năm cũng hữu tình nhất thế gian. Tháng năm nhẹ nhàng đến rồi lạnh lùng trôi qua. Không nhẹ dạ nghe lời một lời một ai và cũng chẳng hung hãn ức hiếp ai. “Con người đổ thừa cho thời gian tàn phá, hủy hoại cái đẹp do loài người làm nên và kể cả cái đẹp do tạo hóa sinh ra. Trong khi thời gian không hề trách loài người hoang phí và xem thường nó đang bay vùn vụt ngoài cửa sổ”.

          Thời gian cho người ta tình yêu và tuổi trẻ, thời gian cũng lấy của ta thanh xuân và hương sắc. Đổi lại, thời gian cho ta kỉ niệm, cho ta những cảm thức khác nhau: thuở thơ ấu, ta làm quen với thời gian một cách vô âu vô lo, mặc nó đi đâu về đâu. Thời thiếu niên, ta mong thời gian trôi nhanh để trưởng thành, vậy mà thời gian lại như bác kéo xe, thủng thẳng tản bước ngắm bình minh. Thời trung niên, ta song hành cùng thời gian, nhiều khi phải chạy đua với nó để có được thành quả. Khi tuổi đời xế bóng, ta bỗng sợ sự phai tàn đương sắp sửa. Thời gian trôi dần, trôi dần trong từng tách trà ta khẽ nhấp, trong những bộn bề năm cũ, trong những dự định tương lai… chợt dừng lại, à ra thời gian cũng chẳng vô tình đến vậy, thời gian cho ta khoảng lặng để ngắm sương mai, cho ta vòng tay để chuẩn bị cho đường đua cuộc đời, cho ta hoài niệm để vững bước trên đường đời cô quạnh, cho ta tuổi trẻ để sống hết mình với thử thách và cho ta cả sự bình yên để đón nhận khung trời ấm áp bên gia đình.

          Mỏng, nhỏ và nhẹ đó là tất cả những gì “Mùa xuân và tuổi xuân” mang lại cho ta trong cảm giác đầu tiên. Nhưng miết qua từng trang sách, ta xao xuyến nhiều hơn một tình xuân, ta nao nao nhung nhớ cái mùa đông giá rét, ta chạnh lòng với những gào thét biến đổi khí hậu cận kề, ta suy tư trong từng triết lý với thời gian của năm tháng và vĩnh hằng, ta miên man trong những phong tục nơi làng quê Nam Bộ xưa và rồi, ta bồi hồi nhung nhớ một chút hương quê khi trang sách khép lại. Nếu bạn muốn lắng lòng hoài niệm những kí ức xa xăm, muốn tìm về một chút nao nức hôm xưa, thì có lẽ, quyển sách này sinh ra là để dành cho bạn. Mười sáu câu chuyện trong “Mùa xuân và tuổi xuân” chính là mười sáu mảnh ghép của dòng bút giọng văn, của đất trời cây cỏ, của mảnh hồn trong trẻo hương xuân.

CHẾ THỊ NGỌC HÂN

0

0 đánh giá

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.