Giỏ hàng của bạn trống!

Tác giả và nhân chứng lịch sử trong bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam giao lưu tại đường sách TP. Hồ Chí Minh

24/07/2020

Vào lúc 9 giờ ngày 5/7/2020, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, Q.1) diễn ra chương trình giao lưu gặp gỡ tác giả và nhân chứng lịch sử trong dịp giới thiệu bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Sự kiện này do Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, NXB Hội Nhà văn, Quỹ Hòa bình Mỹ Lai và CLB “Trái tim người lính” phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2020.

“Nhật ký thời chiến Việt Nam” gồm 4 tập, mỗi tập dầy hơn 1.000 trang, khổ 16×24 cm, là một cuốn sách có nhiều tác giả tham gia viết, do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên.

Tặng hoa cho thân nhân của những người gửi lại nhật ký chiến trường

Ban biên soạn chia sẻ:
- Bộ sách với 30 tác phẩm của 30 tác giả được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ sau. Đây là công trình, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Đây là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Có một sự thật rất buồn là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Nên Ban biên soạn chỉ lưu giữ được những sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao), những di ảnh, di bút của người đã khuất mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển đến, vì đó là những di vật thiêng liêng của gia đình.

Bạn đọc ngạc nhiên không khi bộ sách này phải mất 16 năm mới được ra đời (2004 -2020)? Và để cả dân tộc biết đến những hy sinh to lớn này, sau khi bộ sách đã hoàn thành, CLB “Trái tim người lính” đã và đang gửi tặng miễn phí hàng ngàn bản PDF nội dung của bộ sách này, để sử dụng cho công tác tuyên truyền, nghiên cứu và tham khảo, giảng dạy trong nhà trường, vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội.

Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm “Nhật ký thời chiến Việt Nam” hay nhất, nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách, như: “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm; “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức Liệt sĩ CAND Vũ trang Nguyễn Minh Sơn); “Nhật ký chiến tranh” của Anh hùng, nhà văn, Liệt sĩ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường” của Liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký Vượt Trường Sơn” của TS. Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn; nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của Liệt sĩ Trần Minh Tiến; nhật ký“Tài hoa ra trận” của Liệt sĩ Hoàng Thượng Lân…

Nguyễn Dương – Thanh Thúy
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 602

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: