Giỏ hàng của bạn trống!

Bút máu – Truyện ngắn của Vũ Hạnh

18/08/2020


Nhà văn Vũ Hạnh

Lương Sinh người đất Mân châu, con nhà thế phiệt, nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ từ khi tóc để trái đào. Lên tám đã giỏi thơ ca, từ phú, ai cũng ngợi khen là bậc thần đồng. Lên mười, có bài Tơ liễu trong trăng được tán thưởng nhất mấy câu:

“Trăng cũ phô đầu bạc

Liễu tơ chuốt mi dài

Trăng, liễu xa ngàn dặm

Một tối hẹn vườn ai”.

Năm lên mười hai, gặp thời loạn ly, cha mẹ đều bị giặc giết, Sinh sầu thảm mấy tháng liền, mất ăn mất ngủ, lại thêm căn tạng yếu đuối nên lâm bệnh nặng, thần kinh hốt hoảng luôn luôn giật mình, nằm mơ thấy toàn máu lửa, sọ xương. May có người cậu đem về săn sóc đêm ngày, sau nhờ đạo sĩ họ Trình ở núi Hoa Dương cho bài Hi-di ninh-thần dùng toàn não tủy một giống bạch hầu trong núi Nga Lâm, uống thuần với nước viễn chí nên được lành bệnh, tâm thái trở lại an tĩnh, điều hòa. Khi lên mười lăm, Sinh được người cậu gởi đến Lã Công, một quan Thủ hiệu bãi chức từ lâu, ở nhà mở trường dạy võ. Sinh học rất chóng, nửa năm làu thông mười hai môn võ bí truyền của nhà họ Lã. Lã Công quý mến, một hôm lấy thanh bảo kiếm của mấy mươi đời họ Lã lập công trao cho luyện tập. Giữa buổi, Sinh đang múa kiếm bỗng dừng phắt lại, đưa kiếm lên ngửi, cau mày kêu lên:

– Máu người tanh quá!

Đoạn đem thanh kiếm nộp trả, cáo từ mà về.

Đến nhà, lạy cậu thưa lên:

– Võ nghệ không phải là con đường cháu nên theo. Máu người chảy trong cơ thể quý báu vô cùng nhưng vẩy ra ngoài lại quá hôi tanh. Kẻ cầm lưỡi đao trọn đời sao cho khỏi đổ máu người! Điều tàn nhẫn ấy, cháu không làm được.

Người cậu giận lắm, bảo rằng:

– Mày thật cạn nghĩ, phụ cả lòng ta trông đợi lâu nay. Đành rằng máu người là quý nhưng để máu ấy chảy trong đầu bọn ác nhân thì càng tác quái cho người, lại càng có tội!

Lương Sinh cúi thưa:

– Ai cũng cho mình là phải, lấy đâu để nói xấu tốt rõ ràng? Làm thiện một cách hăm hở mà không ngờ đấy là gây điều ác, lại càng có tội vì đã lừa mình, lừa người. Trộm nghĩ binh đao là nghề dứt khoát, cháu chưa dứt khoát trong người, tự thấy không dám theo đuổi.

Cậu nói:

– Hoài nghi như thế, e rồi không khéo mày tự mâu thuẫn với mày. Không phân biệt được giả, chân, thiện, ác làm sao có thể tự tin mà sống trên đời? Xã hội chưa đâu có thể là chốn thiên đường, bên cạnh nhà trường còn có nhà ngục, bên cạnh ngòi bút còn có lưỡi đao, không thể chỉ thấy một chiều, chỉ yêu một cạnh. Vị tất nhà trường đã không tội lỗi, ngòi bút đã không oan khiên! Ta không có con, từ lâu kỳ vọng nơi mày, nhân thời tao loạn những mong cho mày múa gươm trận địa hơn là múa bút rừng văn. Bây giờ, thế thôi là hết. Từ nay tùy mày định lấy đời mày, ta không nói nữa.

Từ đấy, Lương Sinh sẵn có nếp nhà phú túc, chuyên nghề thơ văn, tiêu dao ngâm vịnh tháng ngày. Lời thơ càng gấm, ý thơ càng hoa, tiếng đồn lan xa, lan rộng như sóng trên biển chiều nổi gió. Quan lệnh trấn mới đổi đến địa phương vốn người hâm mộ văn chương, cho vời Sinh đến. Thấy Sinh tướng mạo khôi ngô, lòng quan cảm mến, tiếp đãi hết sức trọng hậu. Sau đó, quan lệnh mượn những thi tuyển của Sinh trong một tháng trường, nhiều khi bỏ cả xử kiện để mà bình thơ. Khi quan giao trả, Sinh thấy sau những bài đắc ý nhất của mình đều có bài họa, văn từ tao nhã, ý tứ thâm trầm, nét chữ uyển chuyển, dưới đề: “Tuyết Hồng tiện nữ chuyết họa”. Hỏi, biết Tuyết Hồng là gái đầu lòng của quan. Theo lời nha lại tán tụng thì nàng tài sắc vẹn toàn, khiến Sinh đêm ngày tơ tưởng, cứ thấy giai nhân chập chờn trong cơn mộng ảo. Càng ngày Sinh càng tương tư mê mệt tưởng không có nàng thì không thể nào sống được. Nhiều lần lảng vảng sau tư thất quan để nhìn cho được Tuyết Hồng, chỉ thấy hoa sau rèm lá chập chờn, lại càng mê mẩn tâm thần hơn nữa. Dịp đâu may mắn, quan mời Sinh đến uống rượu, ngỏ ý muốn kén Sinh làm giai tế. Sinh mừng run, tưởng có thể đội mái nhà bay lên. Bấy lâu ước ao người đẹp, bây giờ thế là thỏa nguyện.

Trong lễ hôn phối, Sinh mới nhìn rõ Tuyết Hồng: mặt nàng hơi gãy, mũi nàng hơi to, lưng nàng hơi cong. Sinh rất buồn lòng, song nghĩ duyên số tại trời, nhan sắc của nàng tuy kém nhưng tài nàng cao cũng là một điều an ủi. Suốt tuần trăng mật, nhiều lần Sinh ép Tuyết Hồng làm thơ xướng họa, nàng đều chối từ. Hỏi sao hồi xưa thi tứ của nàng dồi dào là thế, mà bây giờ chẳng cho nghe một lời nào, thì nàng cúi đầu, ngập ngừng giây lâu mới đáp:

– Chàng kén thiếp để làm vợ đâu phải là để làm thơ? Đạo vợ lại là đạo lớn, e rằng đem hết trí lực chu toàn chưa chắc đã trọn, đâu dám lấy chuyện thơ văn mà làm chểnh mảng. Dù chàng nài ép bao nhiêu, thiếp cũng cam đành chịu lỗi.

Đã thế, nhiều lần Sinh đọc thơ cho nàng nghe bảo nàng góp ý, nàng cũng có vẻ hết sức dửng dưng. Sau cùng, Sinh đâm nghi hoặc, nghĩ thầm có lẽ những bài thơ họa ngày xưa không phải của nàng mà chính là của quan lệnh. Nghĩ thầm, chứ không nỡ nói, cũng không dám nói, vì khi giận dữ Tuyết Hồng thường khóa chặt buồng nằm riêng, hai ba đêm liền không tiếp.

Càng ngày Sinh càng chán nản khôn khuây, ảo tưởng vỡ tan, tưởng như tuyệt vọng tình đời. Thiếu thốn hình ảnh giai nhân, cuộc sống tự nhiên cằn cỗi, y như nuốt hoàn thuốc đắng không có mật đường trợ vị. Nhân tết Nguyên đán, Tuyết Hồng về thăm song thân, Sinh bèn thừa dịp xuân nhật, noi gương Tử Trường ngày xưa phiếm du sơn thủy, tiếp lấy sinh lực muôn vẻ thiên nhiên nuôi cho văn khí thêm phần phong phú, siêu dật.

Bước ra khỏi nhà, Sinh chọn con đường hai bên cỏ non phơi phới, quanh co theo một dòng suối trong veo, lơ thơ bắc đôi nhịp cầu nho nhỏ, mơ màng lá đào rơi rắc vào chốn thiên thai. Xuân ý, xuân tình chứa chan ở trong cảnh sắc, màu trời, như theo giác quan dào dạt thấm vào mạch tủy khiến Sinh ngây ngất. Đi đã ba ngày mà không nghĩ đến đường về. Đi được sáu ngày thì sực nhớ đến vợ nhà, nhưng vợ cách xa đến sáu ngày đường cũng không đáng sợ những cơn giận dữ. Đi đến mười ngày, tiền lưng muốn cạn, túi thơ chừng đầy. Chợt đến một miền tiêu điều, dân cư thưa thớt, Sinh chán nản muốn quay về nhưng ruột đói, lưỡi khô bèn đi tìm một tửu quán nghỉ chân. Qua ba dặm đồng trơ trọi vẫn chưa thấy bóng một người để hỏi thăm nơi. Bỗng nghe phảng phất tiếng trống, tiếng chiêng lẫn tiếng reo cười. Dò theo âm thanh vọng lại, lần bước tới nơi thấy đám hội trước chùa, bèn vào quán nhỏ gần đấy ăn uống. Chủ quán cho biết đã mấy năm rồi ở đây mới có một ngày hội lớn vì quan Khâm sai triều đình sắp về địa phương nên quan Tổng trấn họ Lý bày ra trò vui để cho dân chúng thỏa thuê ít bữa. Đang ngồi nhắm rượu lại nghe reo hò rồi thấy đám người trước cửa giạt ra hai bên có vẻ hết sức sợ hãi. Từ xa tiến đến một chiếc kiệu hoa do bốn người khiêng và thêm chừng mười lính hầu áo màu lòe loẹt, tiền hô hậu ủng. Kiệu đến trước quán thì bị nghẹt người, dừng lại. Sinh ngước mắt lên, nhìn thấy khuôn mặt đàn bà tuyệt đẹp. Hỏi kẻ chung quanh, biết đấy là Lý Duyên Hương con quan Tổng trấn vùng này. Người đẹp nhìn thẳng về trước, mặt hơi vênh lên, như không muốn thấy một ai quanh mình. Vẻ kiêu kỳ và nét sắc sảo của khuôn mặt tươi hồng khiến Sinh ngây ngất, tưởng như gặp tiên giáng trần, sửng sốt chiêm ngưỡng, tay cầm ly rượu buông lơi lúc nào không biết. Ly rượu chạm vào mặt bàn vỡ tan, tỏa hơi nồng ra bốn phía. Người ngọc nghiêng đầu liếc xuống, thấy vẻ mặt Sinh ngây nhìn, chợt hiểu, bỗng nhoẻn miệng cười. Nụ cười lộng lẫy như hé sáng một trời tình. Sinh lảo đảo đứng lên, không phải say vì rượu, trả tiền cho chủ quán rồi tiến về phía kiệu hoa. Người xem đã giãn, kiệu vào trong chùa. Sinh vội bước theo, cố quên rằng mình đã có vợ nhà.

Trong chùa chật ních những người. Phần đông quần áo mùa xuân tươm tất nhưng đều mặt mày hốc hác mang nhiều vết hằn đau khổ. Ai cũng cố gắng mà vui, hình như không có dịp nào để vui hơn nữa. Lương Sinh chen vào, nghe mùi mồ hôi xông lên khó thở, gượng nghĩ vẫn còn hương thơm người đẹp đi qua sót lại phần nào. Khổ nhọc rất lâu, bước đến thềm trong thì đã thưa người. Thấy Sinh có vẻ nho nhã, người gác để Sinh đi qua. Vào tận trong xa vẫn chưa gặp được người ngọc. Thoạt nhìn lên một bục cao, hương trầm nghi ngút sực nức mùi thơm, thấy Lý tiểu thơ vẻ mặt thành kính, đang cùng mấy vị tăng già đàm đạo. Lương Sinh hậm hực đứng nhìn, giận mình từ xưa chẳng chịu thế phát qui y.

Một lát, tiểu thơ quay vào bàn lễ, Sinh ngại nàng vội đi về nên bỗng nảy ra một ý. Lại gần biệt phòng bên cạnh sẵn nghiên bút và hoa tiên để khách thập phương đề vịnh, Sinh bèn thảo phóng mấy câu:

“Lá gió sầu xuân, đưa đẩy duyên trời hẹn ước,

Tiên hoa gài mộng, vấn vương đền Phật bâng khuâng.

Động biếc, thoáng cười tiên nữ

Rêu xanh, ngẩn lối Lưu Thần.

Mặt nước hồ im, xao động bốn mùa sóng gió

Bóng đêm hang thẳm, long lanh một vẻ giai nhân.”

Rồi bẻ cành hoa kẹp vào. Khi Lý tiểu thơ lễ xong, khoan thai xuống thềm, mọi người sợ hãi giạt ra hai bên thì Sinh vội vã đi theo. Đến lúc nàng vừa lên kiệu, Sinh ném cành hoa lên chỗ nàng ngồi. Lính hầu thoáng thấy, kêu lên:

– Có người ám hại tiểu thơ!

Lập tức, hai, ba, rồi chín, mười lưỡi gươm dài vung lên, lính hầu vây lấy Lương Sinh. Những người xem hội thất sắc lùi lại, dồn dập ép đẩy vào nhau kêu la náo động. Tiểu thư ngồi trên, vén rèm nhìn xuống, không nói một lời, vẻ mặt hết sức kiêu kỳ. Lương Sinh đã toan mở lời chống chế nhưng lính xông vào trói chặt lấy chàng.

Đám đông có tiếng thì thào:

– Anh ta chỉ ném có một cành hoa thôi đấy.

– Bấy nhiêu cũng đủ héo cuộc đời rồi!

– Qua dinh Tổng trấn không lấy nón xuống là đã bay đầu, nói chi xúc phạm tiểu thư vàng ngọc!

Lúc ấy, Lương Sinh sực nhớ đã quên từ lâu mười hai môn võ bí truyền của nhà họ Lã.

Về đến nha môn, lính dẫn Lương Sinh nhốt vào trại giam rồi tâu trình lên Tổng trấn. Nằm trong bốn vách tường đá, Sinh nghĩ cuộc đời bằng phẳng của mình bấy lâu mà lòng rầu rĩ không yên. Chắc là phen này không thể sống thoát, tiếng vang danh sĩ ngày nào bây giờ phải chịu hoen nhục vì không nén được tấm lòng bồng bột phút giây. Đang mơ màng về thế giới bên kia, chợt nghe tiếng người gọi dậy, lập tức được lính dẫn đến công đường. Tổng trấn ngồi giữa, vóc dạng phương phi, hàm én râu hùm, trên tay còn cầm tang vật là mảnh hoa tiên.

Sinh cúi đầu thi lễ, toan tìm lời kêu oan gỡ tội thì quan ra lệnh mở trói. Trước sự kinh ngạc của Sinh, quan bước xuống thềm, dắt Sinh vào trong, kéo ghế bảo ngồi. Sinh từ chối hai ba lần không được. Quan nói:

– Ta thường ước ao được gặp một người tài đức, nay biết ngươi là danh sĩ nên thực hết lòng hâm mộ. Lính hầu sơ suất phạm điều vô lễ vừa rồi, ta sẽ nghiêm trị. Gác Đằng thuận nẻo gió đưa, ngươi hãy ở đây với ta hưởng mấy ngày xuân, vui câu xướng họa, cho thỏa tình ta khao khát lâu nay.

Đoạn truyền đem rượu ngon, thịt béo thết đãi nồng hậu. Lương Sinh tự thấy tài năng của mình thực đã bảo đảm cái mệnh vô cùng vững chắc, hết sức cởi mở tấm lòng, uống rượu say khướt từ sớm đến chiều, mỗi khi chập chờn thức tỉnh Sinh lại ngâm thơ sang sảng, tưởng như lúc nào sau rèm cũng có người đẹp nép nghe. Tổng trấn có vẻ đặc biệt kính trọng tài năng của Sinh, luôn luôn nhường lời cho Sinh thành ra Sinh phải độc xướng, độc họa, độc ngâm suốt ngày. Đôi lúc Sinh muốn hỏi thăm tiểu thư định trao duyên nơi nào chưa, nhưng thấy Tổng trấn đãi mình như bậc thượng khách nên phải giữ ý làm thinh.

Độ vài hôm sau, quan tổ chức cuộc du xuân đưa Sinh đi xem cảnh trí trong miền. Nơi nào quan cũng cho thấy kỳ công đại lực của quan tạo lập cho dân: kìa là dòng suối quanh co quan đã khai thông để dân lấy nước cấy cày, nọ là đồng ruộng bao la trước kia toàn là rừng rậm hoang vu quan đã tốn công khai phá cho dân trồng trọt.

Ngồi trên kiệu cao, Sinh nhìn theo ngón tay quan trỏ phía xa xa, mơ hồ thấy suối, thấy đồng nhiều vẻ khác màu mà niệng không ngừng tán tụng. Hơi men nồng nàn, lòng Sinh chan chứa nhiệt tình đối với những bậc “dân chi phụ mẫu” mà xưa Sinh thường tỏ ý rẻ khinh.

Đến đâu quan cũng xin Sinh lưu bút để cho khắc vào bia đá, cột đồng. Sinh phóng bút thao thao bất tuyệt, hết lòng ngợi ca tài đức của quan. Mực thơm bút quí, lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Trước khi giã từ, Sinh còn lưu lại bài tán tổng kết công đức của quan để khắc ở chốn công đường và bài minh ký để ghi tạc vào mấy cỗ hồng chung tại các tháp đền quy mô trong hạt. Quan ân cần tiễn Sinh ra khỏi nha môn, đưa tặng một cỗ ngựa bạch và mấy nén vàng nhưng Sinh một mực chối từ để giữ vẹn lòng thanh khiết.

Giữa mùa xuân ấy, Sinh lâm bệnh nặng, nằm liệt suốt một tháng liền. Tuyết Hồng hết sức săn sóc thuốc thang, nhiều đêm không ngủ. Bây giờ Sinh có lòng mừng là nàng không biết làm thơ, nhưng Sinh ngày đêm khắc khoải vì không cầm được cây bút. Một ngày không viết được một câu nào, Sinh có cảm tưởng như mình không còn sống nữa. Ngoài nỗi bệnh tật giày vò, Sinh còn bị nỗi băn khoăn sáng tạo hành hạ. Bệnh cũ như muốn tái phát, thần kinh rạo rực không yên, giấc ngủ chập chờn ác mộng. Mấy lần chống tay ngồi dậy, nhưng lại bủn rủn nằm xuống, hơi thở nóng ran như lửa. Một sớm, đang nằm nghe tiếng chim hoàng anh hót ngoài vườn vụt tắt, thấy một tia nắng lọt qua khe cửa chợt tàn, Sinh bỗng hốt hoảng tưởng chừng mùa xuân bỏ mình mà đi, bèn gượng ngồi lên, xô mạnh cửa sổ. Mấy nụ hoa thắm cười duyên trước thềm, lá xanh tươi màu nhựa mới. Sinh bèn gọi đem nghiên bút và tập hoa tiên. Vừa cầm bút lên, Sinh bỗng kinh ngạc: nghiên mực đỏ tươi sắc máu. Thử chấm bút vào, lăn tròn ngọn bút đưa lên, bỗng thấy nhỏ xuống từng giọt, từng giọt thắm hồng như rỉ chảy từ tim. Khiếp đảm, Sinh ngồi sững sờ, tâm thần thác loạn. Cố viết đôi chữ lên giấy, nét chữ quánh lại, lợn cợn như vệt huyết khô trên cát. Sinh vội buông viết, tưởng chừng bàn tay cũng thấm máu đầy. Đưa lên ngang mũi, mùi tanh khủng khiếp. Quệt tay vào áo, đau nhói trong người. Sinh nằm vật xuống, mê man bất tỉnh. Sau mấy ngày Sinh tỉnh dậy, lòng lại khát khao cầm bút. Nhưng nhớ hình ảnh vừa qua, tự nhiên đâm ra e ngại. Sinh cố tập trung thần lực, men đến án thư, nhưng vừa cầm bút lại thấy lảng vảng sắc máu, không sao có đủ can đảm vạch được nét nào. Sinh ném bút, hất giấy, vô cùng khiếp sợ tưởng như xôn xao chung quanh vô số oan hồn đòi mạng. Từ đó, Sinh gầy rạc hẳn, liệu không sống thoát.

Người cậu của Sinh từ lâu đã vào trong núi Hoa Dương ở với đạo sĩ họ Trình, một hôm tạt về thăm nhà thấy cháu suy nhược, rất là lo lắng. Sau khi nghe Sinh thuật hết những điều quái dị vừa qua, ông suy nghĩ hồi lâu, rồi nói:

– Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác nhưng mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng có giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua tội ác mờ mịt nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi. Làm cho người gái lớn lên băn khoăn sầu muộn, làm cho trai trẻ đang hăng khinh bạc, hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ đến vật dục mà quên ái tình, khêu cho thiên hạ tiếc điều tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đau khổ tha nhân, hát trên bi cảnh đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích, biết đâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy Thiên Sơn? Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậy. Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chầy ngày.

Lương Sinh nghe xong, bồi hồi tấc dạ, trí tuệ xem như minh mẫn hơn nhiều. Cơn bệnh do đó lui được khá xa. Sinh đem mấy tập thi tuyển của mình đọc lại từng câu, dò lại từng chữ, thấy toàn là ý bướm tình hoa, phát triển cảm xúc mà xao nhãng trí tuệ, tán tụng thiên nhiên mà bỏ mất cảnh đời, trốn tránh thực tại, từ chối tương lai, nhưng nghĩ lại chưa tìm được lối máu từ đâu. Bỗng sực nhớ đến những bài phóng bút viết cho Tổng trấn, không ghi lại trong thi tuyển, tâm não trở nên bàng hoàng. Đồng thời bao nhiêu gương mặt hốc hác trong ngày hội chùa lại hiện lên rõ, mấy cánh đồng dài trơ trọi, những tiếng thì thầm hai bên kiệu hoa, vẻ người nhớn nhác sợ hãi, những đòn dây trói, mấy dãy nhà giam, lần lượt sống lại trước mắt. Những cảnh ấy thực trái ngược làm sao với những bài tán, bài minh đã viết. Mồ hôi toát ra như tắm, Sinh đứng lên được, quyết định trở về chốn cũ tìm hiểu sự thực.

Sinh đến chốn cũ vào một buổi chiều nắng vàng thê lương phủ trên cảnh vật tiêu điều, xơ xác. Qua khỏi dòng suối khô cạn, Sinh bước vào một thôn trang vắng vẻ, thưa thớt những mái tranh nghèo, không một bóng người thấp thoáng. Đến một gò cỏ úa héo chợt thấy một người nông phu ủ rũ trước nấm mộ mới, hiu hiu mấy nén hương tàn. Sinh dừng bước, lại gần ngồi xuống một bên, khẽ hỏi:

– Bác khóc thương người thân quyến nào vậy?

Người kia ngước lên không nói, ngắm nhìn lớp bụi đường trường bạc thếch trên quần áo Sinh, dịu đôi mắt xuống:

– Người nằm dưới mồ không phải bà con quyến thuộc của tôi.

Sinh nghĩ: “Chẳng lẽ người này cũng là một kẻ thi nhân khóc thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh nào chăng?”. Chưa kịp dò ý, người kia chợt hỏi, ra vẻ hoài nghi:

– Ông từ đâu mà đến đây?

– Tôi từ chốn xa, nhân bước phiêu lưu ghé tạt qua thôi. Buồn thấy miền này có vẻ tiêu điều hơn các nơi khác.

Người nông phu bỗng long lanh đôi mắt như không dằn được tấm lòng dồn nén, bật lên những tiếng căm hờn:

– Nói hết cho muôn ngàn khách qua đường cũng chưa hả được dạ này. Ví dù phải chết ngày nay, thân này chẳng tiếc, miễn sao bộc bạch cho được sự thực uất hận từ lâu. Đã bao năm rồi, sống dưới nanh vuốt của tên Tổng trấn họ Lý, chính sự độc dữ hơn hùm beo, đồng ruộng gầy khô, dân làng đói rách. Đầu xuân này có Khâm sai đi về, cụ thôn trưởng chúng tôi, mặc dù già yếu cũng quyết vì dân làm bản trần tình, cản đầu ngựa, níu bánh xe mà tỏ bày sự thực. Thế nhưng Khâm sai đi khắp mọi nơi, chỗ nào cũng thấy bia đá, cột đồng đầy lời hoa mỹ tán dương công đức Tổng trấn của thằng danh sĩ chết khốn nào đó, nên đã ném bản trần tình, không xét, bảo rằng: “Muôn ngàn lời nói của lũ dân đen vô học, đâu bằng mấy vần từ điệu cao xa của kẻ danh nho. Danh sĩ bao giờ cũng biết tự trọng. Tổng trấn đã được hạng ấy tôn xưng, hẳn không phải bất tài vậy”. Thế đã thôi đâu, Khâm sai đi rồi, Tổng trấn phái sai nha về tróc nã những người đã đầu đơn tố cáo nó. Bao người đã chết vì nỗi cực hình thảm khốc, vợ góa, con côi, một trời nước mắt, ruộng đồng từ đây đành để nuôi loài cỏ dại mà thôi.

Sinh chết điếng cả người, giây lâu mới gượng gạo hỏi:

– Chẳng hay bác có biết… danh sĩ ấy tên là gì không?

Người nông phu trợn trừng cặp mắt, gào lên:

– Làm gì mà biết! Mà biết làm gì? Những hạng hiếu lợi, hiếu danh, trốn trong từ chương để tiếp sức cho kẻ ác mà cứ tưởng mình thanh cao, hạng ấy thì đâu chẳng có? Dân làng đây ai cũng nguyền rủa hắn, mà hắn nào có biết đâu! Nghĩ thương cho cụ Trưởng tôi, mấy lần đứng ra chịu nhận hết tội để cứu bao người mà bọn chúng chẳng chịu tha, cứ việc tàn sát thẳng tay, lôi đi lớp này rồi đến lớp khác, nên khi bị dẫn qua đây cụ tự móc họng cho trào máu ra mà chết để khỏi bị người đày đọa. Trước khi nhắm mắt, cụ còn gượng nói: “Được chết trên cánh đồng đã đẫm mồ hôi của ta, của bà con xóm làng ta, thế là quí rồi. Chôn ta ở đây, cho ta được gần gũi với các người”. Hơi thở gần tàn, cụ còn nói tiếp: “Tội ác là ở lũ vua quan. Tên danh sĩ kia chỉ là cái cớ để chúng vin vào che lấp sự thực. Đừng oán hờn tên danh sĩ. Đáng thương cho nó, đáng thương cho nó”.

Người nông phu dừng lại, nghẹn ngào rồi tiếp:

– Nhưng bao người khổ ở đây, bao kẻ chết nơi kia nghĩ còn đáng thương đáng xót gấp trăm ngàn lần!

Đoạn, gục đầu trước mồ, khóc than thảm thiết. Sinh cũng sụp xuống, hòa tiếng khóc theo. Bóng đêm xóa nhòa, gió lạnh như từ cõi âm thổi về rung động bờ lau bụi cỏ. Sinh tưởng như theo cơn gió oan hồn của người đã khuất hiện về chứng kiến cho những giọt lệ chảy ra từ một tấm lòng hối hận chân thành.

VŨ HẠNH
Theo vietvadoc.vn
Xem sách: but-mau-tap-truyen-ngan

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: