Trong trang viết của Đới Xuân Việt, tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa chân thành giúp những người lính sẵn sàng vượt qua gian khó, không ngại hy sinh
Những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đi qua nhưng mạch văn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn không ngừng tuôn chảy. Hình ảnh người lính tiếp tục hiện diện trên nhiều trang sách hoặc từ kịch bản dựng thành phim, được công chúng đón nhận, đi vào đời sống.
Sống động, chân thực
Đới Xuân Việt cũng hòa mình trong dòng chảy ấy. Ông viết kịch bản phim, viết tiểu thuyết. Hai tiểu thuyết ra mắt vào đầu năm 2020, NXB Hội Nhà văn, "Đi qua vừng mặt trời" và "Anh chỉ có mình em" đều mang nhiều chất điện ảnh, trong đó, từ truyện "Bay qua ngọn đa" của ông, năm 1992 được Hãng phim Truyện Việt Nam dựng thành phim truyện nhựa màu, màn ảnh rộng có tựa đề "Anh chỉ có mình em" với diễn xuất của cặp đôi Lê Công Tuấn Anh - Thu Hà hút hồn bao khán giả một thời. Nay ông viết lại thành tiểu thuyết với những trang viết chân thực, sống động và nhiều xúc cảm.
Bìa 2 tập tiểu thuyết của nhà văn Đới Xuân Việt
Những người lính được khắc họa trong tiểu thuyết của Đới Xuân Việt đều trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau khi đất nước thống nhất, người lính trở về với đời thường và đối diện những hoàn cảnh cũng đầy nghiệt ngã. Bản lĩnh của người lính, tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa chân thành giúp họ vượt qua gian khó, chấp nhận hy sinh.
Chỉ xoay quanh câu chuyện bảo vệ một chiếc cầu trọng yếu trên quốc lộ để bảo đảm cho đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn được thông suốt, "Đi qua vừng mặt trời" khắc họa thành công những nhân vật của 2 chiến tuyến. Đó là các anh bộ đội đặc công, cô giao liên tên Chi xinh đẹp, bà Ba bán quán đầu cầu, ông Tám nông dân vùng ven Sài Gòn - những cơ sở cách mạng, một lòng bảo vệ các anh giải phóng quân. Phía bên kia là thiếu úy Đây, đồn trưởng đồn lính chính quyền Sài Gòn ở đầu cầu, trung úy Thanh từ chi khu điều về, lo việc đặt mìn để phá cầu, ngăn không cho quân giải phóng tiến vào. Không gian chỉ trải vùng thị tứ quanh chiếc cầu, khu vực rừng ngập mặn ven sông Sài Gòn nhưng nén chặt sự căng thẳng, khốc liệt của cuộc chiến vào những ngày sắp kết thúc. Biết nắm chắc phần thua nên Hai Có, anh ruột Đây, ra khuyên nhủ em nên buông súng, cùng gia đình trốn chạy sang Mỹ. Bản thân chẳng còn gì khi vợ bỏ đi, con cũng không nghe lời, sống lang thang, thiếu úy Đây điên cuồng chống trả để rồi nhận kết cục xót đau.
Còn mãi lòng nhân ái, khoan dung
Những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, máu người lính giải phóng quân vẫn đổ xuống. Trận chiến của đội đặc công với nhóm thám báo bên suối khiến người chỉ huy bị thương, sau đó hy sinh trên đường cáng anh trở về đơn vị. Phương án 2 được triển khai và chỉ một mình Văn, chiến sĩ đặc công quê quan họ Bắc Ninh, cùng Chi - cô giao liên người Sài Gòn - vào móc nối với cơ sở, khảo sát thực địa chiếc cầu, đồn địch bên cầu để lên phương án tác chiến sau này khi ta tiến công vào nội đô Sài Gòn. Tình yêu nảy nở giữa anh bộ đội đặc công và cô giao liên, giữa những cánh rừng ngập mặn, trên chiếc xuồng con. Rồi Văn bị thương, Chi bị thiếu úy Đây bắt giam trong đồn, chiến sự ngày càng căng thẳng với đỉnh điểm là cuộc công đồn diễn ra ác liệt.
"Anh chỉ có mình em" kể lại câu chuyện của Hoan, người lính trở về sau cuộc chiến thì mới hay Vân - người yêu của anh - đi thanh niên xung phong và bị chấn thương não do sức ép của bom, được ra quân trở về quê. Vân sống trong những ngày thương tật, lắm lúc ngây dại, cứ đến nhà Chiến đòi lại bé Hòa mà Vân nói là con của mình. Thương cho hoàn cảnh của Hoan, gia đình và người làng đã vun vén cho anh cưới Vy - em gái Vân. Nhưng anh thương binh Hoan vẫn vững tin ở tình yêu của mình với Vân, rằng "anh chỉ có mình em", anh tin một ngày Vân sẽ tỉnh, anh sẽ được cùng Vân và bé Hòa sống hạnh phúc.
Câu chuyện diễn ra, đan xen với những lát cắt trong sinh hoạt đời thường của miền Bắc những ngày sau khi đất nước thống nhất. Sự thật chỉ được hé mở khi tác giả dựng lại đoạn Vân bụng mang dạ chửa về quê sinh con (kết quả của tình yêu với Hoan trước lúc anh đi bộ đội), được vãi Lộc đỡ đẻ và nhận nuôi cháu bé, rồi Vân trở về đơn vị. Từ đó, Hoan gặp sư trụ trì nhận lại các kỷ vật Vân gửi ngày xưa, để xác nhận tình yêu của anh với Vân, cũng là những vật giúp Vân dần hồi phục trí nhớ và để mọi người cùng giúp anh có lại mái ấm gia đình.
Những trang viết của Đới Xuân Việt về người lính đều được anh diễn đạt với sự nặng lòng. Người lính nào cũng chiến đấu dũng cảm, luôn biết hy sinh vì lợi ích chung, sống với lý tưởng cao đẹp và với lòng nhân ái, khoan dung.
NGUYỄN TRỌNG HIỀN
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG